Theo dõi trên

Mô hình “đồng quản lý sò lông”: Bước đầu thành công

16/12/2016, 11:07

BT- Xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam, là xã bãi ngang với đường bờ biển dài 4 km. Nguồn lợi thủy sản ở đây khá phong phú, nhiều nhất là sò lông, nghêu lụa, dòm nâu, các loại cá, ốc, mực…

                
Thả sò giống xuống biển Thuận Quý, Hàm    Thuận Nam.

Xây dựng mô hình

Trong những năm gần đây, nạn khai thác bừa bãi đã làm cho nguồn sò lông cạn kiệt. Trước thực trạng đó, dự án “Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông (Anadara antiquate line) góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận” được phê duyệt theo Quyết định số 2548/QĐ-UBND ngày 29/9/2015.

Tính từ thời điểm triển khai dự án đến nay đã hơn một năm, qua các cuộc lặn khảo sát mới nhất cho thấy dự án bước đầu khá thành công. Kỹ sư Nguyễn Minh Quang, Trưởng phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi - Chi cục Thủy sản, kiêm Thư ký Hội Nghề cá tỉnh  đánh giá: “Trữ lượng sò lông trong vùng triển khai dự án phát triển rất mạnh. Trữ lượng con giống bố mẹ cũng được duy trì ổn định. Các nguồn lợi thủy sản trong hệ sinh thái tập trung nhiều hơn trước khi thực hiện dự án”.

Tiếp chúng tôi tại văn phòng UBND xã Thuận Quý có các ông: Lượng Thanh Dũng, Chủ tịch xã; Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực cùng với những cán bộ phụ trách Hội Cộng đồng ngư dân quản lý khai thác nguồn lợi sò lông. Câu chuyện thả giống sò lông tái tạo xuống khu vực biển, nơi sò lông sống truyền thống trước đây đầy những đánh giá khả quan nhưng ít ai biết sự khởi đầu của nó gian nan đến mức nào.      

Biện pháp bảo vệ

Ông Nguyễn Nùng, Hội phó Hội Cộng đồng quản lý sò lông Thuận Quý, cho biết: “Từ ngày đầu tiên, tôi còn nhớ, chúng tôi tha thiết với dự án này lắm, làm đơn xin bằng giấy ố vàng, tôi và cháu tôi là Phạm Cường ngày đêm đau đáu với những tính toán sao cho vùng biển này không mất hẳn con sò lông, mất thì uổng lắm. Thiên nhiên ban tặng cho vùng biển này rất phong phú về thủy sản, sò lông, sò điệp, tu hài và các loại nhuyễn thể nhiều vô cùng. Tôi làm nghề gần 30 năm nên tôi thuộc vùng biển này và tôi cũng biết nó đã bị cạn kiệt. Lần đầu thả 120 tấn sò giống (tổ chức GEF tài trợ 45 tấn, còn lại do cộng đồng huy động), vì nước biển lúc đó bị thủy triều độc nên sò chết một số. Nhưng lần này thì khả quan hơn nhiều. Chúng tôi đang bỏ thêm những chướng ngại vật chống giã cào và lên phương án tái tạo rạng bằng đá bờ. Với 8 điểm chà đánh dấu vùng dự án ban đầu, tuy hiện nay do sóng biển quá mạnh không còn thấy rõ dấu vết nhưng bước đầu cũng đã góp phần hạn chế đánh bắt và thu hút các loại thủy sản đến sinh sống. Từ năm 2014, thời điểm triển khai dự án, đến nay xem như bước đầu thành công, kết quả đã như dự tính. Tín hiệu cá và các loài thủy sản tập trung về khu dự án là thấy rõ”.

Về biện pháp bảo vệ, Hội kết hợp với Đồn Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Phòng Tài nguyên - Môi trường và lực lượng kiểm ngư để kịp thời xử lý, ngăn chặn các vụ đánh bắt bừa bãi. Năm qua, đã phạt các ghe giã cào bay trên 100 triệu đồng. Hội viên chính thức hiện nay của Hội là 50 người, tất cả cùng tham gia giữ mặt biển và sau này là khai thác. Dự án đã hỗ trợ 160 triệu đồng để hội viên xoay vòng vay lãi 0% và dùng hình thức đóng góp tiền đối ứng để bà con yên tâm trong sinh kế hiện tại và phục vụ công việc chung.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch xã cho biết: “UBND xã đã vận động tuyên truyền để ngư dân hiểu về tầm quan trọng của dự án, đề xuất và tham mưu cho các cấp để ban hành các văn bản để tạo tính pháp lý cho Hội cũng như tạo mọi điều kiện, cơ sở vật chất cho Hội hoạt động. UBND xã ban hành các quy định, quy chế làm việc của Hội, giúp Hội xây dựng và thực thi cam kết hỗ trợ, phối hợp thực hiện công tác quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và với riêng sò lông. Những lớp tập huấn gần đây đã đem lại cho bà con nhận thức mới và biết cách đồng quản lý. Ngày 9/3/2016, đại hội chính thức cũng đã tổ chức thành công.

Vì khu vực dự án nằm ngoài cửa biển, nơi dòng suối Nhum đổ ra biển, nên lượng rác thải đầu nguồn từ khu dân cư trôi dạt ra khá lớn, nước thải sinh hoạt và từ các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, khai thác titan, từ tàu thuyền đang tạo ra nguy cơ ô nhiễm nặng. Đây là vấn đề nhức nhối đang được UBND xã lên kế hoạch từng bước khắc phục và ngăn chặn.

Kết quả sơ bộ

Ngày 18/ 8/ 2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam, trong cuộc họp với đoàn Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP), cũng đã thông báo những kết quả sơ bộ mang tính khả quan của dự án.

Theo tính toán khả năng trong tháng 8/2017, dự án sẽ cho bà con ngư dân khai thác với mức độ khai thác bền vững, tức là khai thác số lượng sò lông đúng kích cỡ, đúng theo tiêu chuẩn để được các doanh nghiệp xuất khẩu mua lại. Theo ước tính, mức độ khai thác khoảng trên 10.000 tấn và đồng thời duy trì con giống bố mẹ trong vùng dự án trên 80 tấn để phát triển bền vững trong thời gian tiếp theo. 

N.Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình “đồng quản lý sò lông”: Bước đầu thành công