Hỗ trợ hộ gia đình nuôi trồng nấm
Tại hội nghị ứng dụng công nghệ thiết bị trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến đông trùng hạ thảo (ĐTHT) mới đây, ông Nguyễn Quang Thịnh - Giám đốc trung tâm chia sẻ: “Trước đó, dự án xây dựng mô hình trồng nấm ĐTHT, trồng nấm linh chi, nấm rơm trong nhà cho các hộ dân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Bình Thuận” thuộc “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025” đã được Bộ Khoa học & Công nghệ phê duyệt. Mục tiêu dự án đưa loài nấm mới, góp phần phát triển nghề nấm hiện có, tạo nguồn giống chất lượng, cung cấp giống, phôi nấm cho nhu cầu trong, ngoài tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh nguyên liệu nấm của Bình Thuận”.
Thông qua dự án trên, trung tâm đã triển khai ứng dụng mô hình trồng nấm linh chi, nấm rơm cho một số hộ đem lại hiệu quả. Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Lộc, thị trấn Liên Hương, Tuy Phong được trung tâm hướng dẫn trồng nấm linh chi, nấm rơm, sản xuất phân hữu cơ, trồng rau mầm từ giá thể trồng nấm chỉ trên 40 m2 vườn tạp của gia đình, cho thu nhập khá. Với diện tích nhỏ ấy, bà Lộc đầu tư trồng 2.000 bịch phôi nấm linh chi; đồng thời tận dụng nguồn mạt cưa thải sau trồng loại nấm này, bà tiếp tục trồng 160 bịch meo nấm rơm. Tiếp đó, nguồn nguyên liệu sau trồng nấm, lên men vi sinh sản xuất thành phân hữu cơ để trồng rau mầm sạch. Mô hình sau 5 tháng từ mảnh vườn không mấy giá trị trước đây, bà Lộc thu được 35 kg nấm linh chi khô, thu 30 kg nấm rơm tươi, 1 tấn phân hữu cơ và giá rau mầm sạch. Trừ chi phí đầu tư, khấu hao tài sản lán trại khoảng 13 triệu đồng/ vụ, lợi nhuận 18 triệu đồng/vụ.
Kỹ sư Lê Việt Kỳ, cán bộ trung tâm, theo dõi mô hình cho biết: “Không chỉ Tuy Phong mà khí hậu Bình Thuận đều thích hợp trồng nấm linh chi quanh năm (trừ nấm xứ lạnh), cho tai nấm to, ít sâu bệnh. Thông qua mô hình “4 trong 1” ứng dụng tại nhà bà Lộc, trung tâm đang nhân rộng các hộ gia đình trong tỉnh có nhu cầu ứng dụng, chúng tôi hỗ trợ kỹ thuật trồng. Mô hình trồng nấm trên, mỗi năm có thể sản xuất 2 vụ, ước lợi nhuận thu được hơn 30 triệu đồng/40 m2/2.000 bịch phôi. Quy mô trồng từ 5.000 bịch phôi nấm linh chi trở lên, lợi nhuận thu về sẽ từ 50 - 60 triệu đồng/năm”. Cùng với đó, trung tâm đang triển khai ứng dụng mô hình trồng, chế biến nấm ĐTHT ở huyện Đức Linh. Bà con nông dân trong tỉnh có nhu cầu trồng nấm ĐTHT đều có thể đến trung tâm tham quan, học hỏi mô hình sản xuất nấm được lai tạo hiệu quả. Tại hội nghị liên quan lĩnh vực nấm ĐTHT, kỹ sư Kỳ cũng đã chia sẻ với nhiều người tham gia về các khâu nhân giống nấm, làm phôi nấm; cải tạo vườn tạp, phòng trống thành phòng trồng nấm; lắp đặt kệ, đèn chiếu sáng, hệ thống phun sương, hệ thống lạnh; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch nấm ĐTHT.
Liên kết tiêu thụ
Trong khuôn khổ liên quan, ông Nguyễn Quang Thịnh - Giám đốc trung tâm cho biết thêm, các sản phẩm ĐTHT trên địa bàn hiện nay thường ở 2 dạng nấm tươi, nấm khô, viên nén, rượu. Đông trùng hạ thảo khô nuôi cấy nhân tạo được người tiêu dùng ưa chuộng hơn do thời gian bảo quản được lâu, vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng vốn có. Thông thường để có được 1gram nấm ĐTHT khô cần đến 6-7 gram nấm ĐTHT tươi. 2 dạng sản phẩm nấm ĐTHT khô, tươi từ các hộ gia đình trong tỉnh trồng, chế biến đều có thể hợp đồng với Công ty Lavite tiêu thụ theo giá thị trường. Trung tâm cũng đã liên kết với công ty trên bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở nuôi trồng nấm ĐTHT trong tỉnh. Hiện với sản phẩm Hector được chế biến từ Lavite đang phân phối rộng khắp cả nước, mở rộng thị trường nước ngoài; đơn vị này mong muốn hợp tác với các cơ sở, hộ gia đình ở Bình Thuận nơi đang có nguồn nguyên liệu khá dồi dào, đưa vào chế biến.