Theo dõi trên

Mô hình Tổ phụ nữ giao tiếp thân thiện với khách nước ngoài ở Mũi Né

24/10/2017, 09:26

BT- Từ ngày “nàng công chúa” Mũi Né vươn vai thức dậy sau giấc ngủ dài, nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm và biết đến. Cùng với việc thăm thú, thưởng ngoạn cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, việc buôn bán, giao dịch cũng từ đó phát triển và tất nhiên không thể tránh khỏi tình trạng muôn thuở của việc bán, mua là chèo kéo, chặt chém, nói thách, tranh cướp khách hàng... Để xứng đáng với tên gọi mà cả nước dành tặng là “thủ đô resort” cùng với các tiêu chí của một đô thị văn minh, thân thiện, hiếu khách, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai mô hình “Tổ phụ nữ giao tiếp thân thiện với khách nước ngoài” (gọi tắt là tổ) ở Hội LHPN phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết và chi hội phụ nữ khu phố 15 của phường chính là nơi làm điểm mô hình này vào năm 2014.

                
Hội nghị sơ kết 3 năm hoạt động của Tổ phụ    nữ giao tiếp thân thiện với khách nước ngoài.

Ngay những ngày đầu thành lập, có đến 40 chị em của khu phố 1 và khu phố 15 tham gia. Đa số các chị nhà nghèo, đông con, thất học, dành dụm được chút ít vốn mua bán nước giải khát, hải sản hay dịch vụ phục vụ du lịch như ván trượt…Để giúp cho chị em tự tin, lịch thiệp với khách hàng, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn những kỹ năng giao tiếp, văn hóa bán hàng…

Tuy có cái khó khi thực hiện mô hình là đa số thành viên trình độ học vấn thấp, việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức không dễ dàng nhưng nhờ kiên trì và những nội dung đề cập liên quan đến việc buôn bán hàng ngày như luôn niềm nở, mau mắn, không gây gổ, phát biểu tùy tiện với du khách, không níu kéo, không “chặt chém”… dần dà các chị cũng thay đổi được tính cách, hành vi và nhận ra đâu là những việc làm mất đi hình ảnh đẹp của du lịch Bình Thuận trong mắt du khách. Trong các buổi sinh hoạt, ngoài những nội dung thiết thực tới công việc mưu sinh của thành viên, ban điều hành tổ còn tạo điều kiện để chị em có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Đông Á, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo của Trung ương Hội... Theo đó, hàng tháng có 30 chị được vay với số tiền từ 15 - 20 triệu đồng/chị, tổng dư nợ hiện tại trên 600 triệu đồng. Tổ còn thành lập nhóm tiết kiệm góp vốn xoay vòng, có 30 chị tham gia, mỗi tháng góp 300 ngàn đồng/chị, giúp được 2 chị vay. Gánh hàng của các chị đầy đủ, phong phú hơn, đồng lãi kiếm được cũng khá hơn. Hiện đã có thêm hơn chục chị đăng ký tham gia, nâng tổng số thành viên của tổ lên hơn 50 người.

Thú vị nhất có lẽ là việc các chị học…ngoại ngữ. Tuy chưa được tập huấn về ngoại ngữ, trình độ học vấn thấp hoặc không biết chữ do phải nghỉ học sớm để mưu sinh nhưng do tiếp xúc thường xuyên với khách nước ngoài, từ việc lõm bõm vài ba từ xã giao, các chị đã tự “nâng cấp” lên, chẳng những lưu loát tiếng Anh mà còn nói sõi thêm vài thứ tiếng khác như Pháp, Nga, Trung, Hàn… dù chỉ là tiếng bồi. Ngoài công việc chính là bán hàng, các chị còn tận tình hướng dẫn du khách đi lại, vui chơi, giúp chụp ảnh, quay phim…

Bà Trần Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đã nêu một số việc cần làm trong thời gian tới là tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh, con người, lịch sử, văn hóa, sản phẩm lợi thế, đặc sản của Bình Thuận thông qua việc bán hàng, sinh hoạt định kỳ thường xuyên…”. Bà Hương cũng ghi nhận những kiến nghị của tổ là thời gian tới, sẽ mở lớp dạy ngoại ngữ Anh, Nga để giúp chị em thuận lợi hơn trong giao tiếp với khách hàng cũng như đổi tên mô hình “Tổ phụ nữ giao tiếp thân thiện với khách nước ngoài” thành “Tổ phụ nữ giao tiếp thân thiện với khách du lịch”.

Mai Kim Dung



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình Tổ phụ nữ giao tiếp thân thiện với khách nước ngoài ở Mũi Né