Theo dõi trên

Mở rộng điều tra vụ buôn lậu xăng dầu tại Công ty Dương Đông Hòa Phú

09/03/2016, 08:47

BT- Ngày 7/3, một nguồn tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đang tiến hành mở rộng điều tra tổ chức và cá nhân liên quan trong vụ buôn lậu xăng dầu xảy ra tại Công ty cổ phần Dương Đông Hòa Phú, trụ sở chính tại thôn Phú Thủy, xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đề nghị Chi cục Hải quan Bình Thuận gia hạn tạm giữ hành chính con tàu vận chuyển hàng lậu để phục vụ điều tra.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 8 đối tượng gồm: Nguyễn Đức Mạnh (Tổng giám đốc), Nguyễn Thanh Sơn (Phó Tổng giám đốc), Vũ Văn Bằng (Trưởng phòng kinh doanh), Nguyễn Đăng Duy (Phó phòng kinh doanh), Nguyễn Đức Quang (nhân viên Phòng kinh doanh), Luyện Xuân Tràng về tội buôn lậu; Aleria Romel Pagente (quốc tịch Philippines, thuyền trưởng tàu BTS Christina) về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…

Theo thông tin ban đầu, khoảng 0 giờ 15 phút  ngày 29/1, Đoàn kiểm tra liên ngành trong đó có Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an), Cục Điều tra chống buôn lậu -Tổng cục Hải quan, tiến hành kiểm tra tàu BTS Christina, quốc tịch Singapore đang bơm xăng từ tàu lên bồn chứa tại kho của Công ty CP Dương Đông Hòa Phú. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện, Công ty CP Dương Đông Hòa Phú nhập khẩu 9.373 tấn xăng Ron A92 nhưng mở tờ khai nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Bình Thuận chỉ có 1.877 tấn. Mặc dù chưa được sự cho phép của Chi cục Hải quan Bình Thuận nhưng Công ty Dương Đông Hòa Phú cùng với tàu BTS Christina đã tự ý bơm 3.236 tấn xăng lên kho.

Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn của đường dây buôn lậu là lợi dụng nhập khẩu xăng dầu chính ngạch để trục lợi, với thủ đoạn khai báo hải quan số lượng hàng thấp hơn lượng hàng thực tế nhập khẩu về. Theo đó, các đối tượng đã thỏa thuận với chủ hàng nước ngoài chỉ ký hợp đồng mua bán xăng dầu với số lượng thấp so với số lượng mua bán thực tế. Sau đó thỏa thuận với chủ hãng tàu vận chuyển lập 2 vận đơn, 1 vận đơn phù hợp với số lượng hàng hóa đã ký hợp đồng dùng để khai báo hải quan, 1 vận đơn cho lượng hàng còn lại trên tàu nhưng không khai báo hải quan, dùng để đối phó với các cơ quan chức năng khác. Khi tàu nhập cảng và làm thủ tục khai báo hải quan và chờ thông quan đối với số hàng hóa đã ký hợp đồng ngoại thương, các đối tượng tổ chức bơm hàng lên kho và chỉ để lại trên tàu số lượng hàng đúng với tờ khai hải quan, chờ kiểm hóa hải quan và thông quan hàng hóa xong mới tiếp tục bơm lên kho.

P.Sinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở rộng điều tra vụ buôn lậu xăng dầu tại Công ty Dương Đông Hòa Phú