Phát triển nông nghiệp hiện đại
Đây là Nghị quyết đầu tiên mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới ban hành trong bối cảnh dịch Covid - 19 vẫn còn diễn biến phức tạp, vừa thực hiện phòng, chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo các chuỗi sản xuất và kinh doanh ngành nông nghiệp không bị đứt gãy. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 05 là cơ cấu lại sản xuất các lĩnh vực. Ở lĩnh vực trồng trọt là cơ cấu lại quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ việc trồng giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu của tỉnh đối với các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao như thanh long, xoài, dưa lưới, nho, cam, quýt, bưởi, nhãn… Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm cây ăn trái được ưa chuộng trên thị trường, hạn chế phát triển quá lớn diện tích cây thanh long…
Hiện nay, Bình Thuận có 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh công nhận ứng dụng công nghệ cao và 270 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư số 27 của Bộ NN&PTNT. Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương, Hiệp hội Ngành hàng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông sản của tỉnh, nhất là các sản phẩm chủ lực, lợi thế, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Tham gia các sàn thương mại điện tử
Để tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh, nhất là nông sản công nghệ cao, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tập trung theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản để kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các biện pháp bình ổn thị trường, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp hiện nay. Đặc biệt, sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam như: Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật bản), Big C (Thái Lan)… mở rộng thêm thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng nông sản của tỉnh phát triển, tham gia các sàn thương mại điện tử. Từ đó, tập trung cao cho hình thức tiêu thụ, chào bán nông sản trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trước mắt, Sở Công Thương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại cùng với các đối tác của sàn thương mại điện tử như: Shopee, Tiki, Sendo, Lazada… mở các gian hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh và từng bước hướng dẫn các doanh nghiệp tự chủ trong các hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tổ chức hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Bình Thuận và doanh nghiệp Ấn Độ để xúc tiến tiêu thụ nông sản Bình Thuận (tập trung là sản phẩm thanh long).