Theo dõi trên

Mối quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

19/04/2016, 07:17

Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới yêu cầu tháo gỡ mọi rào cản về thể chế…

“Nói về phát triển kinh tế thì doanh nghiệp là tiên phong. Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Thời gian tới, chúng ta phấn đấu vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN về môi trường kinh doanh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị ngày 17/4.

Trước hàng trăm nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ tinh thần của Chính phủ là kiến tạo phát triển. Chính phủ hành động, phục vụ, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị ngày 17/4. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Doanh nghiệp là tiên phong”, đó là đánh giá rất cao và rất đúng về vai trò của doanh nghiệp đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nếu doanh nghiệp là tiên phong, thì nhà nước, với vai trò kiến tạo, sẽ là hậu thuẫn quan trọng nhất cho doanh nghiệp. Việc phân định rõ vai trò nhà nước-doanh nghiệp như vậy chính là điều kiện tiên quyết để nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh, không làm thay doanh nghiệp, mà tập trung hoàn thiện thể chế, để thị trường và xã hội làm những việc mà xã hội và thị trường có thể làm tốt hơn.

Trước đó chỉ vài ngày, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh tinh thần này khi ông triệu tập và chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ vừa được kiện toàn, diễn ra ngày 12/4.

“Doanh nghiệp hiện nay còn khó khăn lắm, số doanh nghiệp đình chỉ hoạt động, phá sản nhiều. Chúng ta phải tháo gỡ ngay. Không thể để doanh nghiệp kiệt sức”, ông nói và yêu cầu mỗi thành viên Chính phủ cần có chương trình hành động, tập trung vào xây dựng và hoàn thiện thể chế. Phải quyết tâm tháo gỡ mọi rào cản về thể chế, về cách làm. Cái gì kìm hãm thì phải bỏ ngay, cái gì có lợi cho dân thì nỗ lực thực hiện.

Cũng tại phiên họp này, Thủ tướng nhắc tới yêu cầu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về môi trường kinh doanh. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng đã yêu cầu thực thi ngay 2 nhiệm vụ. Thứ nhất, về chính sách lâu dài, phải sớm trình Chính phủ ban hành tiếp Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với tầm nhìn xa hơn giai đoạn 2016-2020. Thứ hai, ngay trong tháng 4, ông sẽ chủ trì hội nghị lắng nghe doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và xã hội.

Mối quan tâm đặc biệt của Thủ tướng với doanh nghiệp, bởi ông được báo cáo bên cạnh những bước tiến lớn được ghi nhận, thì tình hình thi hành 2 đạo luật rất quan trọng cho doanh nghiệp đang gặp phải không ít khó khăn rất cụ thể.

Chẳng hạn theo Luật Đầu tư, các bộ ngành, địa phương không còn được phép ban hành các điều kiện kinh doanh nữa, nhưng các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng với các ngành nghề liệu có phải là điều kiện kinh doanh không? Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người đứng đầu Bộ đang soạn thảo 12 Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh, thừa nhận đây là một vướng mắc không dễ xử lý.

Nhìn lại, hầu như trong mọi hoạt động từ khi nhậm chức, Thủ tướng đều không chỉ nhắc tới, mà còn nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ mọi rào cản về thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong số 6 trọng tâm ưu tiên chỉ đạo điều hành được Thủ tướng chia sẻ sau khi nhậm chức, thì thứ hai là “Tập trung cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, trọng dụng nhân tài, huy động mọi nguồn lực cho phát triển”. Đúng như Thủ tướng phát biểu, Chính phủ đã nhận thức rõ các trở ngại khiến Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đã nhận diện được cơ hội, nguồn lực tăng trưởng thời gian tới để hành động quyết liệt, đồng bộ hơn.

Đây không chỉ là những cam kết bằng lời của người đứng đầu Chính phủ. Mới đây nhất, hồi cuối tháng 3 vừa qua, trong vụ tranh chấp giữa Khu công nghiệp Tân Đức (Long An) và một doanh nghiệp Nhật Bản, khi còn ở cương vị Phó Thủ tướng, ông đã giao cho Chủ tịch UBND tỉnh Long An trực tiếp kiểm tra vụ việc, xử lý nghiêm túc, đúng pháp luật nếu phát hiện những hành vi sai trái, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để doanh nghiêp sản xuất, kinh doanh chính là khâu đột phá để Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đây cũng là quan điểm chính thức của Đảng, Nhà nước Việt Nam và đang được thực thi bằng những chủ trương, chính sách, hành động cụ thể. Mối quan tâm đặc biệt của Thủ tướng đối với cộng đồng doanh nghiệp chính vì thế cũng là trăn trở của ông đối với tiền đồ phát triển, với vị thế tương lai của đất nước.

Cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi những hành động quyết liệt hơn từ phía Chính phủ, mà trước mắt là “Hội nghị Diên Hồng” giữa Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ diễn ra vào những ngày cuối tháng 4 này tại một địa điểm đầy ý nghĩa lịch sử - Hội trường Thống Nhất, TPHCM.

Theo Hà Chính/Chinhphu.vn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cử tri xã Phan Điền:
Kiến nghị các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
BTO-Chiều 23/12, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận ông Lê Quang Huy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phan Điền (Bắc Bình), thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo huyện Bắc Bình và xã Phan Điền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mối quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc