Theo dõi trên

Mong đợi... đất

09/06/2022, 05:59

Khắc khoải đợi chờ, chưa biết khi nào có đất để cho các con ra riêng, là hoàn cảnh của gia đình ông Lê Đình Sâm, trong vụ việc mua đất liên quan đến dự án Chỉnh trang trung tâm huyện lỵ Bắc Bình.

Đất trên giấy

Ôm cháu nội vài tháng tuổi trên tay, bà Trịnh Thị Nhung, vợ ông Lê Đình Sâm - nguyên cán bộ Công an huyện Bắc Bình ngồi dưới thềm nhà tâm sự: “Khổ lắm cô ơi! Vợ chồng thằng lớn, thằng nhỏ, vợ chồng tôi, rồi các cháu chen chúc sống ở đây”.

20220531_075054.jpg
Khu vực vướng giải tỏa đền bù của Khu dân cư TD4.

Tôi nhẩm tính, cả thảy có 3 cặp vợ chồng và 3 đứa trẻ nhỏ sống trong ngôi nhà cấp 4 rộng 100 m2 với 3 phòng ở, trên con đường Chu Văn An, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình và nghĩ thầm, họ “giỏi thật”. Vì trên thực tế, có nhiều cha mẹ ở chung với gia đình của một đứa con đã thấy khó sống, vì mỗi thế hệ có cách suy nghĩ, cách sống khác nhau, huống hồ cha mẹ ở chung với gia đình của nhiều đứa con trong không gian hẹp.

Gia đình ông Sâm sống được như vậy là nhờ ông luôn động viên vợ con mỗi khi có mâu thuẫn trong gia đình: “Cố gắng chờ, người ta giao đất, cha cho các con ra ở riêng. Gia đình mình là gia đình công chức, toàn cán bộ, đảng viên phải hành xử cho đúng”. Dù vậy trong lòng ông vẫn lo lắng vì sự việc đã hơn 10 năm trôi qua.

z3441685689794_ac011678ca05cf180c30cf5af3d131bb.jpg
Ông Sâm mua 2 lô đất nhưng chưa nhận được đất.

Câu chuyện dài ấy bắt nguồn từ mùa xuân năm 2006, khi UBND huyện Bắc Bình ra quyết định quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư Xuân Quang, Khu dân cư TD4 thuộc dự án Chỉnh trang trung tâm huyện lỵ Bắc Bình. Sau đó ra quyết định thu hồi đất của một số hộ dân có đất trong dự án để phân lô bán đất nền cho những ai có nhu cầu. Ông Sâm khi đó là một cán bộ công an vừa thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, khi trong lúc xử lý một vụ tai nạn giao thông, ông bị người vi phạm tấn công bằng dao. Ông đăng ký mua 2 lô thuộc Khu dân cư TD4. Mỗi lô 118,2m2 đứng tên ông và con trai Lê Huy Dũng, rồi làm thủ tục, đóng 170 triệu đồng/2 lô và nhận sổ đỏ. “Hồi đó, nhận sổ là khoảng tháng 5/2008 tôi vui lắm, cứ kêu ông ấy đi nhận đất đi. Ông ấy bảo chỗ đất nhà mình chưa đóng cột mốc mà nhận gì”, bà Nhung rầu rĩ nói.

Cầm sổ đỏ trong tay, gia đình ông chắc mẩm rằng, đất đã có sổ rồi thì không lo, khi nào có đất nhận cũng được và chỉ thỉnh thoảng liên hệ với UBND huyện xem chừng nào có đất. Chờ mãi đến năm 2013, không thấy huyện giao đất, ông Sâm nóng lòng liên hệ UBND huyện đề nghị giao đất, mới biết đất nhà mình còn đang trên giấy. Đất thực địa chưa có vì dự án chưa hoàn thành công tác đền bù giải tỏa. “Từ từ rồi sẽ giao, anh lo gì!”, ông Sâm nhớ lại lúc còn đang đương chức đi hỏi nhận đất và nhận được câu trả lời từ cán bộ địa chính thị trấn Chợ Lầu.

Mong trong mông lung

Khu dân cư TD4 nằm cách nhà ông Sâm hơn 4 km. Dưới cái nắng gắt tháng 5, tôi lẽo đẽo theo ông Sâm, người trong bộ dạng yếu ớt vì căn bệnh hạch phổi hành hạ, ngồi sau xe con trai đến Khu dân cư TD4. Nơi đây bây giờ thực sự là một khu đất “vàng” của thị trấn, nằm ngay bên Chợ Lầu – trung tâm thương mại khang trang sầm uất. Giá đất ở đây hiện nhảy lên gấp nhiều lần so với cách đây hơn 10 năm. Cả khu đã mọc san sát nhà cửa, không còn là bãi đất hoang lúc dự án đang trong “thai nghén” và mới đi vào phân lô bán đất. Nhưng vẫn còn một diện tích đất lớn “úp mặt” về phía chợ, với hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh, cỏ mọc cao quá đầu người và một ngôi nhà mái tôn, vách cũng tôn cũ kỹ lụp xụp. Ngôi nhà đó là của gia đình ông Trần Vĩnh Bửu, người vẫn còn ở lại khu đất này chưa đi vì muốn tái định cư tại chỗ. “Đất nhà tôi mua ở đó mà họ chưa giải quyết”, ông Sâm chỉ tay về phía nhà ông Bửu nói.

img_8727.jpg
Ông Sâm chỉ địa điểm 2 lô đất.

Danh sách các hộ gia đình, cá nhân mua đất ở các khu dân cư thuộc dự án Chỉnh trang trung tâm huyện lỵ Bắc Bình phần lớn họ đã được giao đất. Nhưng một số trường hợp chưa giao do vướng giải tỏa đền bù. Năm 2015, UBND huyện Bắc Bình nhận được Công văn 908 của UBND tỉnh cho phép huyện hoán đổi đất, thối trả tiền đối với các trường hợp thuộc diện đã nộp tiền sử dụng đất, tức là đã có sổ đỏ nhưng không có đất giao trên địa bàn huyện. Nhiều trường hợp được lên danh sách, nhưng gia đình ông Sâm lại không.

UBND thị trấn Chợ Lầu báo cáo UBND huyện Bắc Bình sau cuộc họp giải quyết đơn của ông Sâm năm 2020, qua rà soát các khu quy hoạch dân cư trên địa bàn thị trấn có một số trường hợp mua đất của Nhà nước trước đây chưa được thống kê, cần có chủ trương giải quyết. “Gia đình ông Sâm chưa được thống kê giải quyết đất mặc dù ông cũng đồng thuận với giá hoán đổi... Trước đây, tôi không phụ trách lĩnh vực này, nhưng có thể do bộ phận có liên quan rà soát không kỹ, tổng hợp thiếu trường hợp gia đình ông Sâm... Vấn đề của ông Sâm chúng tôi rất quan tâm, đang tìm hướng giải quyết”, lãnh đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường trăn trở.

Bao hy vọng sớm nhận được đất trở nên mông lung, khắc khoải lo âu. Gia đình ông Bửu vẫn giữ quan điểm tái định cư trên đất vì theo ông, nhà ông chỉ còn khoảng hơn 500 m2 để gia đình ở. Chừng nào Nhà nước lấy sử dụng vào mục đích công như xây trường, trạm, phục vụ quốc phòng, an ninh ông sẽ bàn giao. “Tôi ở đây từ năm 1987 đến nay, khi cầm quyết định thu hồi đất làm dự án, tôi xin UBND huyện cho một lô để tái định cư, nhưng họ không cho, tôi không chấp nhận...”, ông Bửu bức xúc nói khi tôi tìm đến.

Hướng giải quyết

Mua đất ở tưởng đơn giản nhưng lại không đơn giản chút nào đối với gia đình ông Sâm, bởi dính líu đến giải tỏa, đền bù – vấn đề nóng hiện nay. Ông Sâm không phải là trường hợp hiếm trong những người mua đất dự án bị như vậy. “Huyện giao cho chúng tôi tìm cách giải quyết. Có thể tập trung theo 2 hướng, xây dựng phương án tiếp tục xin chủ trương của tỉnh, thu hồi lại 2 sổ đỏ của ông Sâm và bồi thường lại đất cho ông ở vị trí mới, nếu vị trí này giá đất cao hơn thì ông phải đóng thêm tiền; tiếp tục rà soát lại toàn bộ hồ sơ đất của ông Bửu... nếu điểm nghẽn nhà ông Bửu được khơi thông sẽ không chỉ giải quyết được đất cho nhà ông Sâm mà còn hoàn thành quy hoạch khu dân cư thị trấn Chợ Lầu”, ông Trần Duy Hùng - Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Bắc Bình nêu hướng giải quyết.

Với phương án đầu, ông Hùng nói, có khả thi hơn, nếu UBND tỉnh chấp thuận thì giải quyết đất cho ông Sâm sớm. Còn không được e rằng rất chậm vì vướng thủ tục pháp lý phức tạp liên quan đến các hộ chưa chấp nhận giá đền bù trong dự án.

20220511_155539.jpg
Gia đình ông Bửu chưa muốn đi.

Gia đình ông Sâm cũng chấp nhận giá đất hiện nay theo quy định, miễn sao có đất ở, giải quyết bí bách về chỗ ở của gia đình. “Ra ở riêng giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ. Em đang chờ huyện sớm giải quyết để xin cha mẹ xây nhà ở, ngày đó chắc sẽ đến”, Lê Huy Dương - con trai ông Sâm tâm sự.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xem xét giao đất ở cho 3 hộ dân tự di dời nhà
BT- Ông Võ Xuân Tươi, ông Hoàng Xuân Thắng, bà Lý Thị Thu Vân, xã Tân Phúc, Hàm Tân phản ánh: UBND xã Tân Phúc đã tổ chức họp dân triển khai phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng Trạm Y tế xã. Qua làm việc với UBND xã, 3 hộ dân đã thống nhất tự di dời nhà cửa trên đất và được cấp cho mỗi hộ một lô ki ốt trong chợ mới để buôn bán ổn định cuộc sống. Nhưng khi xây dựng xong chợ mới, UBND xã không cấp một lô ki ốt và không cấp lại đất ở nơi khác cho các hộ dân.
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mong đợi... đất