Vùng kinh tế động lực
Bây giờ, ra Phú Quý đã có tàu cao tốc hiện đại. Việc ra vào đảo của người dân, du khách vì thế thuận tiện hơn. Nhiều người ví von đi đảo bây giờ như cơm bữa, vì chỉ mất hơn 2 giờ đồng hồ là đến, rất khỏe, chứ không như trước phải lắc lư theo nhịp sóng biển trên tàu vỏ sắt, phải mất 4 - 5 giờ đồng hồ mới đến được huyện đảo. Sau 3 năm, tôi có dịp trở lại Phú Quý. Điều đầu tiên cảm nhận, đó là huyện đảo Phú Quý nay đã đổi thay nhiều, phát triển hơn so với trước. Âu tàu, kè biển - công trình có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của huyện đảo tiếp tục được quan tâm, đầu tư. Đời sống người dân được nâng lên đáng kể, những ngôi nhà cấp 4 kiên cố liên tục mọc lên dù chi phí đắt đỏ, xây nhà ở đảo gấp 3 lần ở đất liền. Hầu hết nhà nào cũng có tủ lạnh, nhiều hộ đã có ti vi thông minh, xe máy đắt tiền.
Là đảo tiền tiêu bao quát vùng thềm lục địa và vùng biển quan trọng ở Nam Trung bộ, huyện đảo Phú Quý còn được xác định là vùng kinh tế động lực của tỉnh, trong đó phát triển kinh tế biển gắn với du lịch là lĩnh vực trọng tâm. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, hệ thống cơ sở hạ tầng ở Phú Quý không ngừng được đầu tư với việc nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới. Các công trình kinh tế, văn hóa phúc lợi công cộng, công trình phục vụ dân sinh đã làm thay đổi toàn diện diện mạo huyện đảo.
Theo đánh giá của Huyện ủy Phú Quý, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch sôi động trở lại. Công tác mời gọi, thu hút các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch được tăng cường. Thống kê đến thời điểm này, toàn huyện hiện có 34 khách sạn, nhà nghỉ, phòng trọ và 40 homestay. 5 tháng đầu năm 2022, đã thu hút được 30.910 lượt du khách đến địa phương tham quan, du lịch. Giao thông vận tải đường biển duy trì hoạt động ổn định, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, du khách và vận chuyển hàng hóa. Hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản hoàn chỉnh, đã đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa được 75,93 km. Hệ thống các công trình hạ tầng thủy sản được quan tâm đầu tư; cảng biển được nâng cấp, mở rộng; đã hoàn thành công trình khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Phú Quý giai đoạn 1, các công trình bảo vệ đê kè biển tiếp tục thực hiện các gói còn lại. Bên cạnh những thành quả đạt được, huyện vẫn có không ít tồn tại, khó khăn là rào cản trong thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Điều dễ nhận ra, trong thời kỳ hội nhập và suy thoái kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến quá trình xây dựng và phát triển huyện đảo Phú Quý. Các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ… có phần chựng lại. Do đó, cần đầu tư để Phú Quý phát triển mạnh và toàn diện, để Phú Quý trở thành một huyện đảo tiền tiêu mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, thực hiện tốt hơn nữa vai trò là căn cứ quan trọng trong chiến luợc phát triển kinh tế biển, đồng thời bảo vệ vùng lãnh thổ quốc gia, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Xây dựng điểm đến hấp dẫn
Dù có những khó khăn hiện hữu, huyện cũng có nhiều thuận lợi để xây dựng và phát triển đô thị Phú Quý loại IV theo hướng văn minh, hiện đại. Đặc biệt, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thể hiện qua quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt đề án “Phát triển toàn diện huyện Phú Quý trong chiến lược phát triển kinh tế, chống xâm thực của nước biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc”; quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 617 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển Bình Thuận”. Trong đó đã xây dựng kế hoạch và triển khai đầu tư nhiều hạng mục công trình trọng điểm cho huyện Phú Quý; quyết định của UBND tỉnh về việc quy hoạch Khu du lịch huyện Phú Quý đến năm 2030 và Phú Quý đã được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh…
UBND huyện Phú Quý cho biết, để triển khai thành công chương trình xây dựng phát triển Phú Quý theo hướng văn minh, hiện đại, huyện sẽ tập trung chỉnh trang đô thị; xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển đô thị thứ tự ưu tiên và cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, trong đó ưu tiên nguồn lực để thực hiện công trình phúc lợi bức xúc như: Hệ thống kè bảo vệ bờ biển phía bắc đảo, chợ đầu mối hải sản, các hồ chứa nước ngọt, hệ thống đường giao thông, hạ tầng cụm công nghiệp, trường học, hệ thống xử lý nước thải, nước mưa, hệ thống nước sinh hoạt. Song song đó, rà soát cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; chủ động tổ chức nghiên cứu về thị trường nhà ở, khu đô thị; tăng cường mở rộng các phân khúc giá trị nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội. Khuyến khích nhiều tổ chức tín dụng tham gia vào việc đầu tư phát triển nhà ở; tạo điều kiện để các dự án đã được cấp phép tiến hành đầu tư và đi vào hoạt động có hiệu quả như: Nhà máy xử lý rác thải, dự án sản xuất đá vảy bằng nước biển…
Đồng thời định hướng và kêu gọi để các dự án lớn được đầu tư vào huyện nhà phát triển theo hướng hiện đại, đó là các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi, giải trí phục vụ du lịch, tàu cao tốc hạng sang, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển công nghệ số. Đẩy mạnh xã hội hóa một số ngành, lĩnh vực xã hội như: Giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thông tin và thể dục thể thao để huy động các nguồn lực trong và ngoài huyện cho phát triển bền vững của huyện nhà. Bảo vệ, gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa, kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình du lịch; đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang sinh thái, thực hiện tốt bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh và gìn giữ giá trị văn hóa ứng xử thân thiện, nghĩa tình của người Phú Quý.