Tôi cảm ơn lời khuyên từ tấm lòng thành của Giáo Phương. Cảm nhận tuổi đã cao, sức đã giảm, hai anh em cũng định gác cày, gác bút vậy. Sau đận ấy chúng tôi vi vu Tây Nguyên một chuyến đúng mùa hoa dã quỳ nở rộ, rải thảm vàng cao nguyên, mới thấy đời thật đẹp, đáng yêu vô cùng.
Nhưng thật lạ, sau đó Giáo Phương tẩm ngẩm tầm ngầm cũng chẳng chịu gác cày – lại toan tính vợ con đầu tư mở rộng khu du lịch sinh thái – nhà hàng khách sạn bên mạn biển Long Hải, Long Điền. Và tôi lại âm thầm, cứ túc tắc trên máy tính, lại viết sách, viết báo mỗi ngày. Là cái nghiệp, Giáo Phương kinh doanh thành thần, lượm tiền như bỡn, say lắm, nghỉ là nghỉ làm sao đây? Tôi cũng đã có một số năm làm thầy giáo, nên bạn hữu vẫn gọi là Giáo Toàn - lại vào guồng quay, viết càng lúc càng nhanh hơn, đều hơn. Người thân, đồng nghiệp xa gần lại mấp máy: “Gừng càng già càng cay!”.
Hai ông giáo có hai điểm khác nhau khá rành rọt: Giáo Phương làm kinh doanh dịch vụ, hái ra tiền. Giáo Toàn viết sách, in cả ngàn bản mỗi cuốn, chủ yếu là biếu tặng, cán cân ngân sách – tích cóp lương thiện mấy chục năm bằng thứ lao động trung thực – cứ đắp đuổi cho qua để dành dụm mà nộp cho nhà in, nhà giấy. Thiết kế trình bày, vẽ bìa có thằng cháu ruột rành nghề bao trọn gói, miễn phí. Năm 2021, Giáo Toàn in 4 cuốn sách gần 1.500 trang in, từ các nhà xuất bản uy tín, mỗi cuốn in 1.000 bản, lấy ngắn nuôi dài, bù lỗ. Bạn hữu nói, chẳng mấy ai viết hăng, liều với sách như Giáo Toàn. Mặc kệ, cả nhà động viên: “Ông cảm thấy vui với con chữ, rất vui với sách thì cả nhà ủng hộ”. Thế là ông lão quá thất thập lại túc tắc gõ bàn phím. Cuốn sách thứ 20 “Chuyện tình phố cổ” đã ra đời đúng tháng 6/2022, dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Và lại thêm một cuốn sách mới nữa – tiểu phẩm - cuốn thứ 21, tựa sách “Thằng khùng” đang được thai nghén, nếu kịp sẽ in vào dịp Quốc khánh 2/9. Năm 2022, cũng sẽ lại có 3 hoặc 4 đầu sách trình làng.
Đam mê, thích rong ruổi vạn nẻo đường xa, một ngày không viết là không chịu nổi; từ báo chuyển qua văn – báo và văn hai thứ nhuần nhuyễn quyện vào nhau. Nhà báo, nhà văn Phan Quang – cây đại thụ của nền báo chí đương đại nước nhà – khuyên, như chính ông đã trải nghiệm, đã và đang thiết kế cho chính cuộc đời – nghề báo, nghiệp văn – mà ông theo đuổi: “Hãy viết đi bạn! Có gì trong đầu, hãy cứ viết ra cho hết. Viết hay thì in nhiều, phục vụ rộng rãi công chúng. Viết chưa thật hay thì bạn bè ta đọc, gia đình mình đọc. Viết dở thì cất dành đó để cho chính mình đọc. Vậy là đời ta, ngòi bút của ta đã vô cùng mãn nguyện và có ích rồi”.
Một lời khuyên chí lý, chí tình đáng để hậu sinh học tập và làm theo.
Say nghề, sống chết với nghề, không gác bút, buông bàn phím, chớ nhẹ dạ mà buông bỏ con đường mình đã lựa chọn. Chịu khó học, say viết, coi việc ngồi vào bàn mỗi ngày là chơi mà làm, làm mà chơi, là tình cảm, trách nhiệm, là nghĩa vụ và niềm tin yêu cuộc sống, vì sự nghiệp cầm bút mà mình hằng trân trọng .
Giáo Phương và Giáo Toàn, hai ông già xứ Nghệ lập nghiệp nơi xứ biển phương Nam vẫn không ngừng nuôi dưỡng sự đam mê, để mãi tiến lên, không ngưng nghỉ, tận hiến cho cuộc đời này.