Việc xây dựng nếp văn hóa “đã uống rượu bia – không lái xe” vẫn đang được các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện. Lực lượng Công an liên tục triển khai các kế hoạch xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các cơ quan, ban, ngành cũng quyết liệt xử lý cán bộ, công chức vi phạm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn. Năm nay cũng là năm mà ý nghĩ rằng “Tết nhất thì các chú công an chắc sẽ thả lỏng đôi chút cho bà con uống với nhau chén rượu mừng xuân” đã không còn khi lực lượng cảnh sát giao thông huy động 100% quân số triển khai kiểm tra xuyên đêm, xuyên tết xử lý về nồng độ cồn.
Với phương châm xử lý vi phạm về nồng độ cồn “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã bố trí 3 ca tuần tra/ngày, đảm bảo 24/24 giờ đều có tổ tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm giao thông kết hợp kiểm tra nồng độ cồn. Cùng với đó, lực lượng công an đã thay đổi cách kiểm tra, không chỉ là kiểm tra cố định mà còn triển khai các tổ lưu động. Điều này đã hạn chế tình trạng những người lái xe sau khi đã uống rượu bia “né” chốt kiểm tra nồng độ cồn. Những câu nói “mách nước” mà trước đây dân nhậu thường nói nhỏ với nhau sau mỗi cuộc nhậu như: “Căng mắt nhìn xa mà né” hay “đi theo lối nhỏ là lối an toàn”… hiện nay đã không còn tác dụng. Đã uống rượu bia mà vẫn cố tình lái xe thì sớm hay muộn cũng sẽ bị xử phạt.
Nhờ các chốt kiểm tra nồng độ cồn hoạt động xuyên tết mà ở các bữa tiệc xuân, mọi người chẳng những không ép rượu mà còn nhắc nhau: “Lái xe thì đừng uống”. Một điều dễ thấy là trong các buổi tiệc tất niên của năm nay, số lượng người tự điều khiển phương tiện đến dự rất ít mà hầu hết chuyển qua sử dụng các loại phương tiện giao thông khác như: taxi, grap… Còn những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, hình ảnh nhiều người dễ bắt gặp trên đường là phụ nữ sẽ điều khiển phương tiện để đưa những đức ông chồng về nhà sau những cuộc vui xuân.
Hành động tuân thủ hay vi phạm pháp luật bắt nguồn từ ý thức và thực tế tết này cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong ý thức của phần lớn công dân trong vấn đề nồng độ cồn khi lái xe, điều này vô cùng đáng mừng. Khái niệm “văn hóa uống rượu” sẽ trở về đúng với ý nghĩa của nó - uống một cách có văn hóa, vừa đủ để hưng phấn, vui vẻ trong các cuộc gặp gỡ chứ không say sưa gây nguy hiểm cho người khác và bản thân mình.
Trong những lần tổ chức kiểm tra nồng độ cồn, ma túy gần đây cho thấy số lượng người vi phạm đã giảm hơn nhiều so với trước đây. Điều này cho thấy ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đã được nâng lên, nét văn hóa “Đã uống rượu bia thì không lái xe” đang dần chuyển từ suy nghĩ qua hành động.