2. Thi phẩm Mẹ ốm bộc lộ tấm lòng vô cùng hiếu thảo của một người con đối với mẹ của mình, trong những ngày mẹ bệnh. Dẫu tác giả bài thơ ngày ấy còn rất nhỏ, song nội dung bài thơ đã biểu lộ một sự quan sát rất tinh tế của một cậu thiếu niên có tài làm thơ. Sự quan sát tinh tế ấy, người đọc dễ nhận ra ở bài Mẹ ốm.
Tác giả đã diễn tả hình ảnh của mẹ những ngày bệnh: “Mẹ chẳng nói cười”, “Khắp người đau buốt nóng ran”, “Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”, “Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn”. Những hình ảnh, diện mạo ấy của mẹ anh tương phản với tính tình, hoạt động, sở thích thường ngày của bà:“Mẹ thích vui chơi”, “ăn trầu”, “cuốc cày”, “thích đọc Truyện Kiều”…
Một học sinh, ở độ tuổi mười hai, đã quan sát rất kỹ, hiểu mẹ thật nhiều để có những nhận xét sâu sắc về mẹ. Mẹ đã trải qua rất nhiều ngày lao động vất vả, cả ngày nắng lẫn ngày mưa, để những nỗi vất vả, nhọc nhằn ấy dồn lại, mẹ bệnh những ngày này. Mẹ đi gió đi sương cả đời, ấy vậy mà khi ốm, mẹ lại phải lần giường để tập đi. Người con – cũng là nhà thơ rất nhỏ tuổi – đã thương mẹ thật nhiều. Cậu bé Khoa ngày ấy, mong mẹ mau khỏe, thì dẫu làm gì, người con ấy cũng không từ chối, kể cả việc ngâm thơ, kể chuyện, múa ca, diễn kịch, đóng cả ba vai chèo để mẹ được vui.
Hàng xóm của gia đình tác giả là những người rất tốt bụng. Khi người láng giềng đau ốm, bà con đến thăm. Anh y sĩ thì mang thuốc đến. Nghĩa xóm tình làng đầm ấm, mộc mạc, thân thương.
3. Bài thơ Mẹ ốm, với 26 dòng thơ, 182 âm tiết, thể lục bát, rất chuẩn về vần. Kết cấu của Mẹ ốm theo mạch cảm xúc của chủ thể trữ tình: Người con.
Từ dùng để tạo nên diện mạo của bài thơ rất phong phú, chuẩn xác, dẫu đây là một bài thơ, một sáng tác của tác giả còn rất nhỏ tuổi: “Cơi trầu”, “Cánh màn khép lỏng”, “Nắng trong trái chín, ngọt ngào bay hương”, “Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn”, “Mẹ vui, con có quản gì”. Bài thơ còn bộc lộ những ngôn từ thi vị: “Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan”.
4. Mùa báo hiếu, đọc lại bài thơ Mẹ ốm của nhà thơ Trần Đăng Khoa để hiểu thêm về tấm lòng hiếu thảo của một người con còn nhỏ, sớm bộc lộ năng khiếu làm thơ – Trần Đăng Khoa – đối với mẹ của mình.
Đọc những lời thơ giản dị, mộc mạc chuyển tải những tình cảm hết sức hồn nhiên, chân thành, lại vô cùng yêu thương mẹ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, để thấy rằng: Lòng hiếu thảo của người con đối với mẹ của mình, không chờ đến khi người ta đã lớn, mà có khi, ngay từ tuổi thiếu niên, đã thấm đẫm trong hồn!