Theo dõi trên

Mủ cao su tăng giá

23/05/2024, 05:03

Mới bắt đầu vào vụ cạo nhưng mủ cao su có giá cao đã tạo sự phấn khởi cho người làm cao su. Hy vọng mủ cao su giữ giá hoặc tăng cao để người làm cao su có thu nhập tốt…

1. Khi mùa mưa bắt đầu cũng là lúc người dân xuống phân bón cho cây cao su để chuẩn bị mở miệng cạo mủ. Năm nay nắng nóng kéo dài nên cây cao su bị mất sức khá nhiều nhưng so với các loại cây trồng khác thì cao su vẫn có sức chịu được hạn cao hơn. Đợt nắng nóng vừa qua một số diện tích cây trồng lâu năm trong tỉnh bị chết do thiếu nước tưới nhưng với cây cao su thì chưa có ảnh hưởng nhiều. Mới vào mùa cạo mủ cao su nông dân rất phấn khởi bởi giá cao su nằm ở mức tương đối cao.

thu-hh-n.jpg
Thu hoạch mủ cao su. Ảnh: N.Lân

Anh Nguyễn Thuận ở xã La Ngâu (Tánh Linh) có hơn 30 ha cao su trồng ở vùng La Dạ cho hay: Mới có mấy cây mưa đầu mùa tôi chưa kịp bón phân cho cao su thì đã nghe thương lái báo giá mủ 35 triệu đồng/tấn. Lúc đầu còn chưa tin nhưng khi điện thoại cho anh em làm cao su ở Đức Linh, Tánh Linh thì mới biết đó là giá thật thương lái đang chào mua. Giá cao su chào hàng cao nhưng ở Bình Thuận vẫn chưa có mủ để bán, nguyên nhân là phải chờ mưa. Nhiều người làm cao su tranh thủ bón phân nhưng phải mất một thời gian khi cây sung sức mới mở miệng cạo được. Tôi làm cao su hơn 15 năm nay nhưng hiếm khi thấy mủ cao su đầu mùa chào hàng cao đến vậy.

rng-cao-su-nh-n.jpg

Năm rồi giá mủ đầu mùa nằm ở 23 – 24 triệu đồng/tấn nên nhiều nhà vườn có diện tích cao su lớn chỉ bón phân cầm chừng, bởi tiến hành lấy mủ sẽ không đủ bù chi phí thuê nhân công, quản lý. Với những hộ làm nhỏ lẻ thì cạo mủ kiểu lấy công làm lời. Khi mủ lên 27 triệu đồng/tấn thì các nhà vườn tập trung lấy mủ, lúc này cây cao su sung sức nên chất lượng mủ cũng tốt hơn. Ở vùng Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ đa phần người dân trồng cao su là hộ dân tộc thiểu số nên diện tích nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình. Với mủ cao su có giá cao, người đồng bào thiểu số có thêm thu nhập để cải thiện đời sống.

thu-hoch-m-cao-su-2.jpg

2. Tánh Linh và Đức Linh là “thủ phủ” của cây cao su, nơi đây không chỉ có diện tích cao su lớn mà còn có nhiều nhà máy sơ chế mủ cao su, đường sá lưu thông thuận tiện hơn khi gần khu vực miền Nam nên giá mủ lúc nào cũng nhỉnh hơn các vùng khác. Hiện Tánh Linh có khoảng 20.000 ha, Đức Linh hơn 10.000 ha cao su. Anh Nguyễn Bình ở Đức Linh có hơn 100 ha cao su trồng ở vùng Gia Huynh và Suối Kiết, mấy năm trước dù cao su đã vào độ tuổi cạo lấy mủ nhưng giá chỉ nằm 22 – 23 triệu đồng/tấn nên anh Bình bỏ cạo, chỉ đầu tư bón phân cầm chừng cho cây. Anh cho biết: Nhiều năm rồi giá mủ đầu mùa rất thấp, năm ngoái có thời điểm giá cao nhất chỉ 32 – 33 triệu đồng/tấn, còn lại chỉ dao động trong khung 26 – 29 triệu đồng/tấn nhưng năm nay giá cao như vậy vùng nguyên liệu cao su trong tỉnh sẽ khởi sắc…

Mủ cao su dao động từ 35 - 37 triệu đồng/tấn được nhiều người đánh giá là “đỉnh” bởi cả chục năm nay mủ cao su đầu mùa mới có giá cao như thế. Vào mùa cạo mủ, cao su có giá cao nên các vườn đầu tư mạnh để khai thác. Điều này đồng nghĩa với người nông dân có thêm cơ hội việc làm, nhất là lao động nông thôn nhận cạo và trút mủ thuê cho bà con trong vùng, giá công cạo mủ hiện nay là 350 - 500 đồng/cây, nếu chịu khó từ đêm đi cạo mủ và buổi sáng đi lấy cũng được 1.000 – 1.500/cây, tiền công cũng được từ 400.000 – 600.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ ở vùng nông thôn, nhất là khu vực miền núi vùng sâu vùng xa như Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc.

rng-cao-su-3.jpg

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 45.000 ha cao su, trong đó gần 2/3 diện tích cho thu hoạch, bình quân lượng mủ từ 14 – 15 tạ/ha, có nơi thổ nhưỡng tốt và được chăm sóc đúng quy trình thì thu 18 tạ/ha. Trong tỉnh có khoảng 10 cơ sở lớn nhỏ mua và sơ chế mủ cao su, hầu hết tập trung ở Tánh Linh và Đức Linh, trong đó Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận là “đầu tàu” vừa sản xuất vừa thu mua và chế biến xuất khẩu. Nói về giá mủ cao su đầu mùa hiện nay vì sao lại cao hơn các năm, một giám đốc công ty tư nhân chuyên mua mủ thô để sơ chế xuất khẩu cho hay là do thị trường quốc tế biến động mạnh. Mặt khác các nước trong khu vực giảm nguồn cung ứng nên nhu cầu xuất khẩu mủ cao su tăng. Giá mủ cao su phụ thuộc rất nhiều vào nguồn xuất khẩu, nếu đơn hàng xuất khẩu nhiều giá sẽ tăng, nhất là thời điểm đầu vụ hàng khan hiếm nên nhiều công ty gom hàng để đạt theo lượng đơn. Tuy nhiên, giá còn tăng hay giảm sẽ rất khó lường nhưng hy vọng năm nay thị trường mủ cao su ổn định sẽ giúp người trồng cao su và các nhà máy chế biến mủ, người làm công cạo mủ có thu nhập tốt…

TRẦN THI


(1) Bình luận
Bài liên quan
Công đoàn Viên chức tỉnh tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
BTO-Chiều 21/5, Công đoàn Viên chức tỉnh đã tổ chức tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng tới đoàn viên và người lao động trong dịp Tháng Công nhân năm 2024.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mủ cao su tăng giá