Theo dõi trên

Mua bán, nhập khẩu tôm hùm đất có thể bị phạt tù

27/06/2024, 05:32

Nhiều người hiện đang mua bán sinh vật ngoại này vẫn chưa biết đến thông tin quan trọng trên. Bất chấp lệnh cấm vì tôm hùm đất có nguy cơ xâm hại lớn cho ngành nông nghiệp trong nước, tình trạng rao bán tôm hùm đất vẫn tràn lan và rất nhộn nhịp trên mạng xã hội…

Dù bị cấm nhưng vẫn bán

Còn nhớ năm 2019, loại tôm hùm đỏ này cũng từng được nhiều người sành ăn trong tỉnh săn lùng như 1 món ăn hải “đặc sản” dù giá không hề rẻ. Bẵng đi một thời gian, loại tôm này lại xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội. Chỉ cần vào các group mua bán hải sản ở Phan Thiết gõ “tôm hùm đất”, có rất nhiều tài khoản đang rao bán với giá từ 320.000 – 370.000 đồng/kg và đảm bảo là hàng sống. Không chỉ ở Phan Thiết rao bán, một số tài khoản khác ở huyện Tuy Phong cũng cung cấp loại tôm này cho các nhà hàng, quán ăn nếu khách có yêu cầu. Theo những người mua bán, tôm hùm đất có nguồn gốc từ Trung Quốc mùa vụ từ tháng 5 - 11, nên số lượng nhập về nhiều và được thổi phồng là “đặc sản” với thịt ngọt, dai chẳng khác gì tôm hùm trong nước. So với những năm trước, giá năm nay khá mềm và được đảm bảo tươi ngon vì tôm được cấp đông khi còn sống. Khi hỏi những người mua bán có biết đây là sinh vật ngoại lai, cấm nhập khẩu, kinh doanh trong nước không, thì họ đều thừa nhận không biết.

z5570464431517_3c436776c7a110b14ee319b0251d9f26.jpg
Loại tôm này được rao bán nhộn nhịp trên mạng xã hội.

Thực tế, hiện nay một số nhà hàng ở các thành phố lớn vẫn nhập khẩu loại tôm này về bán quanh năm. Đặc biệt, những con tôm này được bày bán vẫn còn sống và người bán khẳng định rằng chúng có thể sống trong bể nước 1 tuần mà không gặp vấn đề gì. Theo những nhà hàng này, nguồn hàng đa phần nhập từ Trung Quốc, Thái Lan và nhập hàng đông lạnh theo dạng thực phẩm nên sẽ không ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, tôm hùm đất không được phép nhập khẩu để nuôi hoặc làm thực phẩm. Cục Thủy sản và Cục Thú y khẳng định chưa cấp phép nhập khẩu cho lô hàng tôm hùm đất nào. Vì loại tôm này đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, đê điều, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virus gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.

z5570464424999_74b05a28365cf2d47830d88e2ac8c02c.jpg
Ngành chức năng khẳng định chưa cấp phép nhập khẩu cho lô hàng tôm hùm đất nào.

Cẩn thận tránh tù oan

Theo Nghị định số 37 ngày 4/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26, tôm hùm đất không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Theo Nghị định 38/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, người nào có hành vi nhập khẩu giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng. Kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tái xuất giống thủy sản, trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy giống thủy sản. Ngoài xử phạt hành chính, việc nhập khẩu phát tán các loài ngoại lai xâm hại cũng có thể đối diện với xử phạt hình sự.

z5570464406626_175c21343edaa3fd973a1c30c5ed8dc8.jpg
Cần xử nghiêm các hành vi buôn bán để tránh phát tán loại sinh vật ngoại lai này ra môi trường.

Bộ NN&PTNT đã từng có công văn hỏa tốc yêu cầu các tỉnh, thành và cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, truy quét. Bộ này yêu cầu nếu phát hiện phải tiêu hủy ngay, đồng thời xử nghiêm các hành vi buôn bán để tránh phát tán loại sinh vật ngoại lai này ra môi trường. Theo các chuyên gia thủy sản, tôm hùm đất có thể trở thành đại họa của ngành nông nghiệp.

60229111_309463896657727_8210040714579410944_n.jpg
Việc nhập khẩu phát tán các loài ngoại lai xâm hại cũng có thể đối diện với xử phạt hình sự.

Để kịp thời ngăn chặn và quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu mặt hàng tôm hùm đất bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, ngày 19/6/2024 Tổng cục Hải quan có Công văn số 2842 gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm soát tôm hùm đất. Do đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát Hải quan phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm đất; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng này vào Việt Nam. Đây được xem là một biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp trước nguy cơ xâm hại của tôm hùm đất. Ngành chức năng cần tuyên truyền sâu rộng để người tiêu dùng nâng cao ý thức, không mua hoặc sử dụng tôm hùm đất nhập lậu, phản ánh hành vi vi phạm cho cơ quan chức năng nếu phát hiện.

Ở Việt Nam, rất nhiều loại sinh vật ngoại lai đã được nhập khẩu để làm cảnh, nhưng sau đó bị phát tán ra môi trường và cho đến bây giờ vẫn chưa có biện pháp tiêu diệt triệt để. Ví dụ như ốc bươu vàng, bèo tây, cây trinh nữ thân gỗ, cá dọn bể, sâu róm...

Theo quy định tại Điều 246 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về “Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại”, người nào có hành vi nhập khẩu trái phép loài động vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại thì có thể sẽ bị xử lý hình sự. Cụ thể phạt tiền 100 triệu - 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

M. VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm vào tỉnh
UBND tỉnh vừa ban hành công văn khẩn đến các sở ngành liên quan và địa phương trong tỉnh về triển khai thực hiện Công điện khẩn số 1030/CĐ-BNN-TY, ngày 26/2/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm (GC), sản phẩm GC nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mua bán, nhập khẩu tôm hùm đất có thể bị phạt tù