Theo dõi trên

Mùa trái chín trong vườn

12/04/2024, 05:13

Mùa hè không bắt đầu bằng tiếng ve rỉ rả buổi trưa, không rực màu hoa phượng đỏ, mà với tôi, bắt đầu khi những trái sapoche sần sùi trong vườn chín thơm phức, ngọt lịm. Thứ trái này con nít ít thích ăn nhưng tôi thì ngược lại. Tôi thích cái lớp thịt mọng nước, mềm và ngọt của nó. Chỉ cần bóc lớp vỏ nâu là lộ ra lớp thịt nâu ánh đỏ hấp dẫn. Ngày hè đổ lửa mà được ăn sapoche thì còn gì bằng.

Nhớ hồi còn nhỏ, trong sân nhà ngoại có trồng một cây sapoche rất to. Ông ngoại tỉa bớt nhánh gần gốc cho tàn cây cao lên, phía dưới ông cắt mấy bao cũ trải cho sạch sẽ. Trưa hè nóng quá trong nhà khó ngủ, ông lấy chiếu trải dưới gốc sapoche ngủ cho mát. Lũ cháu ghé chơi, ngồi dưới gốc cây tám chuyện, chơi đồ hàng hay chơi ô ăn quan, cãi nhau chí chóe, có khi thì cười phá lên còn rộn ràng hơn lũ ve nữa. Ông không tham gia trò chơi với chúng tôi mà lúc nào cũng cần mẫn nhặt từng chiếc lá rơi trong sân dồn vào một cái bao để dành cho bà nhóm lửa. Thời đó nhà nào cũng nấu bếp củi nên việc tận dụng lá cây để nhóm bếp được bà ngoại tán thành hết mức. Thế là ông cứ cần mẫn nhặt lá, đến độ tôi tưởng rằng ông không có việc gì làm cứ ngồi đấy canh chiếc lá nào vừa rụng xuống là tới nhặt ngay. Thành ra sân luôn sạch bóng.

sapo.jpg

Chẳng biết cây ra hoa kết quả từ bao giờ, chỉ biết khi chúng tôi phát hiện ra thì quả đã to bằng ngón tay cái rồi. Bà tôi luôn bảo ông có tay trồng nên cây nào ông trồng cũng đều sai trái. Mà thật, trái chen nhau trên cây, càng lớn càng thấy mê. Những chùm trái nâu sẫm chẳng biết lấy dinh dưỡng từ đâu mà cứ to dần lên, kéo cả nhánh xệ xuống vì nặng. Khi trái đã to bằng quả trứng gà, lũ cháu chúng tôi bắt đầu thèm thuồng, lúc nào cũng lén nắn xem đã mềm chưa dù bà dặn đừng nắn nhiều trái “chai” đi không chín được đấy. Giá mà quả xanh không có nhiều nhựa và không chát xít thì chúng tôi đã lén hái ăn ít nhiều rồi. Nhưng cái giống quả này đặc biệt lắm, khi chưa chín đầy nhựa lại chát xít mà khi chín rồi lại mềm và ngọt tan chảy đầu lưỡi.

Cái giống trái này đòi hỏi phải có kỹ thuật ủ chín nữa cơ. Chờ trái chín cây thì lưa thưa lắm và lâu nên bà tôi thường hay hái trái già ủ một lần chín cho nhiều để lũ cháu đủ ăn khỏi phải giành nhau. Bà hái trái già, đem ngâm nước chà hết lớp vỏ cám sần sùi bên ngoài. Sau đó bà để ráo nước ở chỗ mát và chờ 3, 4 ngày sau trái bắt đầu chín, hễ nắn thấy mềm là ăn được. Lũ cháu háu ăn chỉ chờ có thế, giành nhau chọn những trái to, bà chẳng chửi chỉ cười hiền. Nhưng mẹ thì la chúng tôi xấu ăn, lần sau phải để những trái to mời ông bà ăn trước rồi mới được ăn. Bà cười bảo mẹ kệ cứ để chúng nó ăn cho đã thèm, ông bà già rồi, ăn bao nhiêu nữa đâu mà giành với chúng nó. Mẹ nhăn mặt bà cứ chiều thế hư hết cháu, phải dạy cho chúng biết lễ phép, biết trên dưới chứ, cứ chiều như thế sau này chúng nó “cá mè một lứa” hết. Ông bênh bà bảo cứ kệ, để chúng nó ăn cho đã thèm, con nít nó thế, mai mốt lớn chúng nó tự khắc hiểu chuyện, chúng mày khi nhỏ cũng giành ăn thế thôi. Mẹ thôi không cằn nhằn chúng tôi nữa. Được đà, chúng tôi cứ đi học về là tót qua nhà ông để chầu chực ăn trái chín.

sapo-1.jpg

Nhà tôi cách nhà ông bà ngoại một quãng đường bờ ruộng, vậy mà trưa nào ăn cơm xong cũng lén mẹ chạy vội sang nhà ông. Ở đó có đám anh chị em họ đã chờ sẵn. Chẳng cần biết đứa nào vai vế ra sao, cứ mày tao thí xác. Mấy đứa học buổi chiều thì tiếc hùi hụi vì chỉ cuối tuần mới được nhập bọn. Chúng tôi tha cả lá chuối, chặt mấy cây tầm vông con về dựng thành nhà lá, rồi bày đủ món bán đồ hàng, nấu ăn. Trò tôi thích nhất là lấy cọng lá mì tước thành dây chuyền đeo đầy cổ, đầy tay.

Dù đám cháu xả rác đầy sân ông bà cũng chẳng bao giờ la rầy. Mỗi chiều ông lụi cụi dọn cho gọn lại mớ vỏ ốc, vỏ sò cho đám cháu, quét mớ rác cho sạch để mai cháu lại chơi. Từ ngày chúng tôi tụ tập về gốc sapoche ông cũng chẳng ngủ trưa dưới gốc cây nữa mà vào nhà ngủ trên phản. Tất cả những việc làm thầm lặng ấy của ông chúng tôi nào đâu biết. Chúng tôi chỉ biết hùa nhau chơi, giành nhau ăn trái chín trong vườn. Chúng tôi xem việc ông bà thương yêu chúng tôi là điều hiển nhiên không thể khác được. Cho đến khi ông bà lần lượt nối nhau đi xa mãi, lũ cháu vừa qua tuổi nhổ giò mới hụt hẫng khóc như mưa. Chẳng còn đứa nào trốn mẹ tót sang nhà ông bà nữa, phần vì lớn, phần vì không dám bày bừa trong sân như trước nữa, cậu út cưới vợ rồi, mợ không chiều chúng tôi như ông bà.

Ông bà đi, tuổi thơ cũng rủ nhau về miền ký ức. Lũ anh em họ chúng tôi ngẩn ngơ kiếm tìm ông bà, kiếm tìm tuổi thơ nhưng còn đâu nữa. Giờ cây sapoche vẫn còn ở sân nhà ngoại mà lẻ loi đứng một mình, những mùa trái chín chẳng còn ai giành ăn nữa. Đôi lần tôi ghé thắp nhang cho ông bà, có ôm gốc cây to xù xì hỏi khẽ: Có buồn không cây ơi, có nhớ ông bà không cây ơi? Cây vẫn im lìm xòe bóng mát, mấy chùm trái nâu cao tít trĩu xuống như gọi mời. Có một niềm tiếc nuối vừa rơi vào lòng tôi. Ngậm ngùi tôi rời căn nhà quen thuộc, sụt sùi khẽ gọi bà ơi, ông ơi…

NGÂN KHÁNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Thư viện xanh” khơi dậy hứng thú đọc sách cho học sinh
Để duy trì, phát triển văn hóa đọc cho học sinh, thời gian qua các trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư mô hình “Thư viện xanh” nhằm tạo môi trường thân thiện, giúp học sinh hình thành, phát triển kỹ năng và thói quen đọc sách, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa trái chín trong vườn