Theo dõi trên

“Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?”

02/01/2023, 05:35

Cách đây đã 63 năm, vào Tết Canh Tý 1960, Bác Hồ đã viết tác phẩm “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?”. Bài báo này được đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 28/1/1960.

Mở đầu, Bác viết: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất, những ngày Tết Nguyên đán, chúng ta vui chơi một ngày để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân”. Tiếp đến, Bác nêu một ví dụ điển hình về việc tổ chức liên hoan lãng phí, tốn kém: “Vừa rồi vì được mùa to, hai mươi xã Yên Thành (Nghệ An) đã liên hoan hết 123 con lợn, 8 con bò, 3 con bê, đó là chưa kể số tiền chi tiêu vào muối, gạo, rượu, chè, cũng chưa kể những ngày lao động của bà con đã mất toi. Lãng phí tiền của công sức như vậy lỗi tại ai? Lỗi tại cán bộ huyện, cán bộ xã, lỗi tại đảng viên, chi bộ”.

Cuối bài báo, Bác căn dặn:

“Mừng xuân mừng cả thế gian

Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân”.

Một mùa xuân mới lại về, chúng ta bồi hồi nhớ đến Bác Hồ và những lời căn dặn tết tiết kiệm của Người. Cho dù theo đà phát triển kinh tế - xã hội, mức sống của nhân dân ta đã được nâng cao hơn trước rất nhiều lần, nhưng vẫn còn nhiều hiện tượng xa hoa, lãng phí trong tiêu dùng và sinh hoạt ngày tết. Đó là nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức liên hoan, tổng kết, tất niên linh đình, tốn kém hàng trăm triệu đồng, chưa kể quà cáp, biếu xén cấp trên. Có nhiều đơn vị phô trương hình thức, sẵn sàng chi hàng tỷ đồng cho sắm tết, trang hoàng nhà cửa, cây cảnh, trong khi đời sống công nhân, người lao động còn khó khăn, thiếu thốn. Trước tết, báo chí, mạng xã hội liên tục đưa tin về “cuộc đua tết” của các đại gia, đua săn lùng hàng độc, lạ, giá khủng, để thể hiện đẳng cấp, thương hiệu của mình. Nhà giàu chơi ngông, nhà kinh tế chỉ đủ ăn cũng chơi sang, “vung tay quá trán”, mua sắm quá đà, sau tết nợ nần, túng thiếu, vợ chồng cãi cọ, bất hòa, đầu năm mất vui. Còn rất nhiều kiểu ăn tết, chơi tết rất phô trương, lãng phí, không thể kể hết được. Điều nhức nhối là trong lúc nhiều nhà cỗ bàn thừa mứa phải đổ bỏ, thì có nhiều người nghèo thiếu ăn, thiếu mặc trong những ngày tết, rất cần giúp đỡ.

bac-ho.jpg
Bác Hồ đón tết cùng các cháu thiếu nhi.

Nhưng sự lãng phí lớn nhất là lãng phí thời gian. Thói ăn tết dông dài, theo quan niệm lạc hậu “tháng Giêng là tháng ăn chơi” ảnh hưởng rõ rệt tới guồng máy sản xuất và công tác sau tết. Trước tết, mạng xã hội đã sôi nổi tranh luận nên nghỉ tết 9 ngày hay 7 ngày? Sau tết, hàng loạt khu công nghiệp thiếu lao động trầm trọng, vì lao động còn “nán” lại ở quê ăn tết. Còn nhiều cơ quan, công sở nhà nước, dù đã nghỉ tết cả tuần lễ, nhưng những ngày làm việc đầu tiên vẫn “vắng như chùa bà đanh”, do cán bộ, công chức còn kéo nhau đi thăm hỏi, chúc tết nhà nọ, nhà kia, hay tranh thủ đi lễ đền, chùa cúng bái, cầu xin này nọ, làm người dân hay doanh nghiệp chờ dài cả cổ.

Ăn tết lê thê, dông dài không chỉ làm lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc mà còn làm nảy sinh, gia tăng các thói hư tật xấu hay tệ nạn, như cờ bạc sát phạt, mê tín dị đoan, nhậu nhẹt say xỉn, ẩu đả đánh nhau, hay tai nạn giao thông. Tết nào báo chí cũng đưa tin có mấy trăm người chết, mấy trăm người tàn tật vì tai nạn giao thông. Rồi hàng ngàn người phải nhập viện cấp cứu, vì say xỉn đánh nhau trong mấy ngày tết, nghe rất đau lòng. Tết xưa, dù thời chiến tranh hay bao cấp, còn nghèo khổ, đạm bạc, thiếu thốn đủ bề, nhưng đâu có những điều nhức nhối ấy?

Thực hành lời dạy của Bác về tết tiết kiệm, năm nào Ban Bí thư cũng có chỉ thị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc tổ chức đón tết cổ truyền của dân tộc. Trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Chỉ thị 19 của Ban Bí thư nêu rõ: Không được tổ chức thăm, chúc tết cấp trên; nghiêm cấm biếu tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; nghiêm cấm lợi dụng lễ, tết để tổ chức liên hoan ăn uống lãng phí; chỉ đi dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công phục vụ cá nhân trong dịp tết; ngay cả kinh phí bắn pháo hoa mừng năm mới dứt khoát phải bằng nguồn xã hội hóa; cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thật sự nêu gương vui xuân, đón tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm…

Bước sang năm mới, còn rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Vui xuân đón tết lành mạnh, tiết kiệm, chống thói xa hoa, lãng phí, mới là thiết thực học tập và làm theo Bác.

ĐẶNG DŨNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thủ tướng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhiều cơ chế, quy định mới về bộ máy và cán bộ
BTO-Đó là nội dung Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Nội vụ tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 vào chiều 29/12.Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?”