Theo dõi trên

Năm 2017, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.  

14/10/2016, 17:22

I. Tổ chức thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT

1. Tổ chức cụm thi

a) Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) tổ chức một cụm thi do sở GDĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương; các điểm thi được bố trí đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh; các thí sinh tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp.

b) Sở GDĐT các tỉnh bố trí cán bộ thực hiện các khâu tổ chức thi theo quy chế.

c) Bộ GDĐT cử cán bộ, giảng viên từ các đại học, học viện, trường ĐH, CĐ (gọi chung là các trường ĐH, CĐ) đến các tỉnh để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi.

2. Bài thi, hình thức thi, đề thi, thời gian làm bài thi và lịch thi

a) Bài thi:Tổ chức thi 5 bài, gồm: 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp: Khoa học Tự nhiên (tổ hợp Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với Giáo dục THPT; tổ hợp Lịch sử, Địa lí đối với GDTX.

Các bài thi tổ hợp có điểm từng môn thành phần (phục vụ xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo khối thi truyền thống) và điểm toàn bài thi (phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo tổ hợp môn thi, bài thi mới).

         
   

   

   ảnh    Ngọc Lân

b) Hình thức thi:Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã hội (KHXH) thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN); kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính; Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

c) Đăng ký bài thi theo mục đích dự thi:

- Thí sinh Giáo dục THPT thi 4 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn (KHTN hoặc KHXH). Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

- Thí sinh GDTX thi 3 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT gồm 2 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tự chọn (KHTN hoặc KHXH). Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT; thí sinh có thể thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.

- Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chọn thi các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi KHTN hoặc KHXH, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.

- Thí sinh sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017 theo quy định trong đề án tuyển sinh của các trường.

c) Nội dung thi: Năm 2017, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 12 cấp THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 cấp THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT.

d) Đề thi:Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ.

- Đề thi cho mỗi môn thành phần của các bài thi KHTN, KHXH có 40 câu hỏi trắc nghiệm; đề thi của bài thi Toán, bài thi Ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm có 4 phương án trả lời với duy nhất 1 phương án trả lời đúng.

- Đề thi bài thi Ngữ văn có phần Đọc hiểu và phần Làm văn.

đ)Thời gian làm bài thi:

Mỗi môn thành phần của các bài thi tổ hợp KHTN, KHXH: 50 phút; Bài thi Ngữ văn: 120 phút; Bài thi Toán: 90 phút; Bài thi Ngoại ngữ: 60 phút.

e) Lịch thi:Tổ chức thi 2 ngày trong tháng 6 năm 2017:

- Ngày thứ nhất: Buổi sáng: thi Ngữ văn và Ngoại ngữ; Buổi chiều: thi Toán.

- Ngày thứ hai: Buổi sáng: thi bài thi KHTN; Buổi chiều: thi bài thi KHXH.

3. Công bố kết quả thi và cấp Giấy chứng nhận kết quả thi

Sở GDĐT cập nhật kết quả thi lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chung của Bộ GDĐT, công bố kết quả thi và cấp cho mỗi thí sinh 1 Giấy chứng nhận kết quả thi.

4. Xét công nhận tốt nghiệp THPT

- Kết hợp sử dụng kết quả điểm 4 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh Giáo dục THPT) hoặc 3 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh GDTX) với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

- Phương thức tính điểm xét tốt nghiệp: điểm các bài thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 có tỷ lệ tương ứng 50 : 50.

- Điểm liệt của mỗi bài thi độc lập (theo thang 10 điểm): 1,0 điểm; Điểm liệt của mỗi môn thành phần (theo thang 10 điểm) của các bài thi tổ hợp: 1,0 điểm.

5. Quản lý cơ sở dữ liệu thi THPT quốc gia

a) Các thông tin đăng ký dự thi THPT quốc gia của thí sinh được cập nhật vào hệ thống quản lý dữ liệu chung của Bộ GDĐT. Mỗi thí sinh được cung cấp một mã số thí sinh và tài khoản để kiểm tra thông tin cá nhân, kết quả thi THPT quốc gia, kết quả tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.

b) Sở GDĐT sử dụng cơ sở dữ liệu chung để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh; cập nhật lên hệ thống kết quả học tập THPT, kết quả thi THPT quốc gia và kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.

c) Các trường ĐH, CĐ truy cập, khai thác dữ liệu phục vụ công tác tuyển sinh.

II. Tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy

1. Quy định chung

Bộ GDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học; Các trường ĐH, CĐ xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo Quy chế; Các trường có thể tuyển sinh 1 hoặc 2 kỳ trong năm.

2. Các phương thức tuyển sinh

2.1. Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia

- Các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi và chỉ tiêu dành cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau; trong đó, dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D).

- Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

- Bộ GDĐT sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với 1 nguyện vọng phù hợp nhất của thí sinh; công khai danh sách để các trường tham khảo, làm căn cứ. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.

- Trong thời hạn quy định của trường, thí sinh trúng tuyển phải khẳng định nhập học tại trường; trường cập nhật sớm nhất danh sách thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống quản lý dữ liệu chung để các trường khác cùng biết.

- Việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.

2.2. Sơ tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh

Nếu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở cấp THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh với các hình thức phù hợp, đảm bảo không để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan với điều kiện phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi và cách tính điểm xét tuyển.

2.3. Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT

Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm học cấp THPT). Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh đã được công bố.

2.4. Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh

Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh; đồng thời, công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức tuyển sinh.

 (Tổng hợp từ nguồn:Bộ GD-ĐT)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2017, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.