Theo dõi trên

Năm Thìn nói chuyện rồng

02/02/2024, 06:05

Thìn biểu tượng hình rồng, đứng hàng thứ 5 trong địa chi, sau chuột, trâu, cọp, mèo, nhưng trong mắt dân gian, rồng là hình ảnh cao quý, đẹp nhất. Ý nghĩa phong thủy, chi Thìn – rồng, chỉ sấm, vạn vật chờ đợi sấm để chuyển mình lớn lên (Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên – ca dao).

Hay nói cách khác, Thìn đại diện cho sự phát triển tốt đẹp của muôn loại cây cối, cần sự thúc đẩy lớn để phát triển toàn diện tối ưu. Trong 12 con giáp, rồng là linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường, huyền bí. Theo quan niệm Đông phương, rồng là con vật linh thiêng đứng đầu trong bộ tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng).

rong.jpg

Quan niệm về rồng

Trong tứ linh, 2 con vật thường sóng đôi với nhau là Long và Phụng. Long – rồng, tượng trưng cho phái nam; Phụng là chim phượng hoàng, tượng trưng cho phái nữ. Cả hai con vật đều là hình tượng huyền thoại, không có thực trong đời thường, nên càng nâng cao ý nghĩa thiêng liêng. Về phong thủy, rồng tượng trưng cho sự cao cả của người quân tử, ngăn chặn ý đồ tiểu nhân thấp hèn; Phụng biểu tượng về cái đẹp, chỉ những người có lòng tử tế, sẵn sàng giúp đỡ mà không đòi hỏi trả ơn, người đem lại hạnh phúc cho người khác. Đó là ý nghĩa biểu tượng cao quý của hai linh thú trong tứ linh. Cũng từ quan niệm đó, nên trong đám cưới, người ta thường vẽ hoặc kết hình ảnh rồng - phượng sóng đôi bên nhau, nhằm cầu mong cho đôi vợ chồng chung sống với nhau gặt hái được nhiều hạnh phúc. Trong chế độ phong kiến xưa kia, chỉ nhà vua và hoàng hậu mới được ví với rồng và chim phượng hoàng.

Rồng là hình tượng tô tem – vật tổ, để thờ phụng, thường đặt ở những nơi trang nghiêm, như trong hoàng cung, lăng tẩm, đền thờ, miếu mạo. Truyền thuyết “Con rồng cháu Tiên” của dân tộc Việt cũng mang ý nghĩa thiêng liêng, tự hào, tôn kính về biểu tượng vật tổ đó. Qua các triều đại phong kiến, rồng là biểu tượng quyền lực của nhà vua. Những gì của vua đều vinh danh rồng để chỉ sự cao quý. Thân thể vua gọi long thể, mặt vua gọi long nhan, mắt vua là long nhãn, y phục vua là long bào, giường vua nằm gọi long sàng, ghế vua ngồi gọi long ỷ, xe vua đi là long xa, hoàng hậu – phi tần có bầu với vua gọi long thai…

Truyền thuyết về rồng xuất hiện khắp nơi trên thế giới, nhưng nhìn về hình ảnh con rồng có nhiều khác biệt giữa các nước ở châu Á so với loài rồng ở các nước châu Âu. Hình tượng rồng các nước châu Á được miêu tả mình rắn nhưng có chân và móng vuốt (Chế Lan Viên nói về sụp đổ của vương triều phong kiến có hình ảnh ẩn dụ “Rồng năm móng vua quan thành bụi đất”), thân rồng có vảy như vảy cá, có bờm, có sừng, đặc biệt là rồng biết bay; trong truyền thuyết các nước châu Á, như trên đã nói, rồng rất hiền. Khác với các nước phương Tây, họ xây dựng hình tượng rồng là loài vật hung dữ, tàn ác, cần được trừ khử, ngược lại các nước châu Á xem rồng là con vật hiền lành mà linh thiêng, luôn được tôn kính.

Ngay ở các nước Á Đông, nhìn nhận hình ảnh rồng cũng khác. Rồng ở Việt Nam, Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc… là con vật huyền thoại, không có thật. Nhưng ở Indonesia xem giống rồng là có thật, đó là loài bò sát thuộc họ kỳ đà – thằn lằn, sống ở các đảo Komodo, Rinca, Flores và Gili Motang, họ gọi là Rồng Komodo, chúng rất hung dữ, khi bắt mồi, tuyến hàm tiết ra chất độc để sát hại, ăn các động vật, thỉnh thoảng tấn công con người!

Qua điêu khắc, tạc hình, rồng Việt Nam cũng có bản sắc riêng, khác biệt với rồng các nước trong khu vực. Ví như hình ảnh rồng Trung Quốc tạc dáng hình gai góc hung tợn thì rồng Việt Nam có những đường nét mềm mại, hiền hòa. Ở Việt Nam, rồng cũng biến đổi đường nét theo từng triều đại. Các nhà nghiên cứu cho rằng rồng thời nhà Lý thể hiện vóc dáng nhẹ nhàng; còn thời nhà Trần, thân hình rồng to khỏe, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt trong 3 thế kỷ 16, 17, 18, nghệ nhân Việt Nam điêu khắc rất độc đáo về hình ảnh tiên nữ cưỡi rồng dáng nét dịu hiền thanh thoát nên thơ.

Mong đừng lặp lại

Trong dân gian, rồng là con vật được tôn kính, việc gì gắn với rồng luôn thể hiện lòng quý trọng. Nhiều khi họ muốn vượt qua cảnh khó nên bộc lộ cảm nghĩ “Một ngày tựa mạn thuyền rồng,/ Còn hơn chín kiếp nằm trong thuyền chài” (ca dao). Hình ảnh thực địa của 9 con sông đem lại lợi ích bậc nhất cho nông nghiệp ở miền Tây Nam bộ nước ta họ gọi là Cửu long giang. Dân gian quan niệm, ai sinh ra năm Thìn, tức tuổi con rồng, thường gặp phúc phần nhiều hơn. Vì thế, cứ đến năm Thìn thường có hiện tượng tăng dân số. Nhưng theo các nhà quan sát, năm Thìn thường hay mưa lụt. Nhớ hồi năm Giáp Thìn (1964), cách đây 60 năm, ở miền Trung lũ lụt kinh hoàng chưa từng thấy; năm nay trở lại năm Giáp Thìn (2024), cầu mong thời tiết luôn mưa thuận gió hòa, để người dân được đón nhận cuộc sống yên bình, ấm êm, hạnh phúc.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hướng nghiệp cho tương lai
Đoàn tuyển sinh Trường Đại học Phan Thiết (UPT) vừa tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp năm 2024 tại Trường THPT Phan Thiết. Tham gia đoàn tuyển sinh UPT có trưởng, phó các phòng, khoa ngoại ngữ, quản lý đào tạo, công nghệ thông tin, cùng cán bộ chuyên môn trong nhà trường. Trường THPT Phan Thiết có hiệu trưởng, các thầy cô giáo và toàn thể học sinh khối 11, 12.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm Thìn nói chuyện rồng