Miền Nam chỉ có hai mùa mưa nắng. Thời tiết cho 24 giờ sắp tới khó mà đoán chính xác vì “thay đổi không khí”, mưa bất thình lình không kịp tháo giày, mặc áo mưa… Thỉnh thoảng có những cơn mưa dai, mưa ngập lối, mưa làm đường thành sông, con cá có dịp vào thành phố lội tung tăng. Nhưng cũng có đôi khi ông trời trở chứng làm nắng cháy da, râu tóc khô như rơm, rờ đâu cũng thấy nóng, “nóng trong người”.

Nhạc viết về mưa thì nhiều, nhưng nhạc viết về nắng thì… rất ít. Nắng ở đây là nắng ban mai, nắng đẹp, thứ nắng mà đời sống con người ai cũng cần đến... nắng!

xom-ngheo.jpg

Tôi cũng có những ngày đợi nắng. Bài hát “Nắng lên xóm nghèo” của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã để lại trong tôi dấu ấn khó phai nhòa: Đây là thứ “nắng” rất cần của một xóm nghèo, sưởi ấm những đứa bé chăn trâu, mọi người không còn vướng bận vì mưa. Nắng nhoi ra khỏi mây, hoa trái như có dịp để thở, những chồi non ngoi lên, làng quê như bừng tỉnh… đó là hình ảnh những làng quê của những năm tháng xa xưa khuất xa đô thành, nằm im lìm hiu quạnh nhưng không cô đơn, thanh bình từ năm 1950 và ở đó nhiều thứ văn hóa làng xã ra đời, và những phong tục tập quán được hình thành.

“Nắng lên xóm nghèo” mang giai điệu Rumba, nhưng người ta quen hát nhịp Boléro, điều này nó không có gì sai, vì đó là thói quen của những người “nhà quê” thích Boléro!

Mở đầu, trong Prélude (khai tấu khúc; tự tấu khúc): “Nắng lên rồi! Nắng lên rồi! Nắng lên rồi! Nắng lên rồi anh em ơi!”... Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ làm người nghe chú ý, hình như xóm nghèo ngày đã bị trời hành âm u, nắng lặn mất tăm nhiều ngày, bây giờ có nắng người ta mới kêu ầm lên: Nắng lên rồi!

Bài hát ra đời từ năm 1950, do Tinh Hoa miền Nam ấn hành, hình như anh đã bán bản quyền cho Tinh Hoa? Những ngày đến chơi với anh bên quận 4, tôi quên hỏi anh, và không còn nhiều bản gốc, nên tôi mượn photo.

“Nắng lên xóm nghèo” đẹp quá! Ngày đó, cũng như bây giờ nếu phải tìm một nhạc phẩm tương tự cũng thật khó? Thử hát lại, nghe lại, và thử hình dung cái xóm nghèo mà ai cũng đã có một thời hạnh phúc bên nhau dưới ánh nắng ban mai, những buổi chiều nhìn đàn chim bay về tổ, những đêm mưa rả rích ngồi chong đèn học… những năm tháng ấy cứ tưởng yên vui thanh bình trong suốt cuộc đời: “Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên/ Hương lúa ngọt tình quê thêm trìu mến.

Đôi bướm vàng nhởn nhơ khi quyến luyến/ Và cô gái làng ngẩn ngơ mơ tình duyên…” (Nắng lên xóm nghèo). Và một Boléro… nắng của Lam Phương, đó là “Nắng đẹp miền Nam”, một tình khúc đã đi vào lòng người của một thời chiến tranh: “Đây trời bao la, ánh nắng mai hé đầu ghềnh/ Lan dần tới đồng xanh…”.

Và cũng thật khó so sánh giữa “Nắng lên xóm nghèo” và “Nắng đẹp miền Nam”. Mỗi bài mỗi vẻ đẹp khác nhau, nhưng nhìn chung đều có sự hiện diện của cây lúa. “Nắng lên xóm nghèo” là một bài văn “tả cảnh” gói ghém trong một xóm, còn “Nắng đẹp miền Nam” “tả tình” của một vùng đất miền Nam trù phú bừng sáng một buổi bình minh xua tan đêm tối: “… Ngàn bóng đêm phai rồi/ Vầng dương lên soi đời/ Làng ta nay rạng ngời…”.

Những nhạc sĩ của thời kỳ sau đình chiến 1954 sáng tác đầu tay của họ thường viết về cây lúa, và thật ra chính nhạc cây lúa đã làm cho dân quê biết thưởng thức nhạc và yêu quý cây lúa do mình cuốc bẫm cày sâu. Và sau hòa bình, những nhạc sĩ cũ, mới, đi tìm một đề tài khác mà theo họ là hấp dẫn và thú vị hơn cái nơi quê nghèo, cây lúa, đàn trâu, ruộng vườn… mà cũng có người được sinh ra ở đó và cũng có đôi khi họ “khai tử” quê mình chỉ vì cái tên… không đẹp?

Và có một ca khúc chỉ xuất hiện một chút nắng trong bài hát, nhưng đã làm nên một vẻ đẹp của những người con gái nông thôn trong những làng xóm nhỏ của một thời chiến tranh: “… Có những chiều hôm/ Trời nghiêng nắng xế đầu non/ Nắng xuống làng thôn làm cho đôi má em thêm giòn…”. (Lối về xóm nhỏ - Trịnh Hưng).

TRẦN HỮU NGƯ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Người Chăm thôn Lâm Giang đón tết Ramưwan đầm ấm
Vào những ngày này, ở các làng Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni trong tỉnh nói chung và thôn Lâm Giang (xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc) nói riêng thật đông vui và nhộn nhịp.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nắng…