Trong hoạt động kiểm sát, thực tiễn cho thấy các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, kinh tế, lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh rất nhiều và thường phức tạp. Tình hình tranh chấp dân sự năm 2016 tăng hơn năm trước, xảy ra nhiều nhất vẫn là những tranh chấp liên quan đến lĩnh vực đất đai, hợp đồng vay tài sản, ly hôn, thừa kế… Tòa án 2 cấp đã có nhiều cố gắng thụ lý, giải quyết, tuy nhiên lượng án tồn vẫn còn nhiều. Việc giải quyết loại án tranh chấp đất đai, nhiều vụ còn tồn đọng, kéo dài do việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng phải chờ văn bản trả lời của UBND các cấp trong phối hợp giải quyết. Theo báo cáo của VKSND tỉnh, trong năm 2016, cấp tỉnh đã kiểm sát việc thụ lý 259 vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, 85 vụ hành chính, 11 vụ kinh doanh thương mại, 23 vụ lao động, 7 vụ phá sản (giảm 7 vụ so cùng kỳ năm trước). Do đó, để lượng án được đẩy nhanh tiến độ, đòi hỏi kiểm sát viên khi kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự phải có kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu, nắm chắc chắn căn cứ pháp lý cũng như những hiểu biết thực tế xã hội để đề xuất hướng giải quyết án chính xác, phù hợp quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, VKSND tỉnh luôn quan tâm và phân công kiểm sát viên có chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn nhằm kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại ngay từ khi thụ lý vụ án đến khi giải quyết. Đặc biệt chú trọng đến việc tham gia phiên tòa, phiên họp, kịp thời phát hiện các sai phạm để yêu cầu khắc phục.
Trong quá trình thực hiện, kiểm sát viên đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kiểm sát việc thụ lý vụ án, thu thập tài liệu chứng cứ. Nếu kiểm sát viên có chuyên môn và công tâm sẽ phát hiện kịp thời những thiếu sót, vi phạm và có những kiến nghị trực tiếp với thẩm phán, người tiến hành tố tụng vụ án để khắc phục. Các hoạt động kiểm sát tại phiên tòa, phiên họp, việc tham gia hỏi và phát biểu của Viện kiểm sát đã góp phần vào việc làm rõ các nội dung của vụ án. Qua đó, đảm bảo cho việc quyết định giải quyết vụ án được công bằng, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự được pháp luật bảo hộ, các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động… được điều chỉnh đúng quy định pháp luật, phù hợp đạo đức xã hội. Ngoài ra, cần nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, hạn chế thấp nhất các bản án, quyết định của tòa án bị hủy do lỗi kiểm sát viên không làm tốt công tác kiểm sát. Đặc biệt tăng cường kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện án hành chính của tòa án, đây là lĩnh vực trước đây chưa được 2 cấp kiểm sát chú trọng.
MINH Vân