Thiếu điều tra viên
Năm 2023, cơ quan điều tra công an toàn tỉnh thụ lý giải quyết 2.988 tin (cấp tỉnh thụ lý 102 tin, huyện 2.886 tin), tăng 742 tin báo so với năm 2022. Theo đó, tiếp nhận mới 2.633 tin, tin cũ chuyển sang 187 tin, tin phục hồi 168 tin). Đến nay đã giải quyết 2.726 tin, đạt 91,23%, (chỉ tiêu Quốc hội giao trên 90%), trong đó đã khởi tố vụ án hình sự 1.690 tin, không khởi tố hình sự 768 tin, tạm đình chỉ giải quyết 268 tin.
Trong năm, toàn tỉnh đã thụ lý điều tra 2.174 vụ án/2.875 bị can (cấp tỉnh 133 vụ/158 bị can, cấp huyện 2.041 vụ/2.717 bị can), tăng 419 vụ án so với năm 2022. Đến nay, đã kết thúc điều tra 1.479 vụ/2.327 bị can (đạt 68%), trong đó kết luận điều tra đề nghị truy tố 1.435 vụ/2.295 bị can, đình chỉ điều tra 44 vụ/32 bị can, tạm đình chỉ điều tra 215 vụ/35 bị can, đang điều tra 450 vụ/512 bị can; số vụ án trả điều tra bổ sung 21 vụ 65 bị can.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát điều tra toàn tỉnh còn tiếp nhận, giải quyết 34 đơn khiếu nại, tố cáo về tố tụng hình sự (32 khiếu nại, 2 tố cáo). Hiện đã giải quyết 34/34 đơn, trong đó có 32 đơn khiếu nại, tố cáo sai, 2 đơn khiếu nại đúng một phần. Theo thống kê của Công an tỉnh, hiện toàn tỉnh 253 điều tra viên (ĐTV), trong đó cấp tỉnh 61 ĐTV, cấp huyện 160 ĐTV, cấp xã 32 ĐTV. Như vậy, năm 2023 trung bình 1 ĐTV phải thụ lý 9,8 vụ án và 13,5 tin báo. Trong khi đó theo quy định thì mỗi năm cấp tỉnh ĐTV thụ lý không quá 3 vụ án, 4 tin báo; cấp huyện thụ lý không quá 6 vụ án, 8 tin báo.
Thực tế trên cho thấy, lực lượng ĐTV hiện đang thiếu ở hầu hết cơ quan cảnh sát điều tra cấp tỉnh và cấp huyện, điều này tạo áp lực rất lớn cho ĐTV trong thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, việc phối hợp giữa cơ quan điều tra và cơ quan giám định, định giá có lúc chưa chặt chẽ. Việc cơ quan giám định, định giá chậm trả lời kết quả nên nhiều vụ việc chờ kết luận định giá, giám định nhiều năm liền vẫn chưa có kết quả dẫn đến phải tạm đình chỉ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc xác minh, điều tra các tin báo, vụ án kéo dài và có những hạn chế nhất định.
Nâng cao chất lượng điều tra
Bên cạnh, do thực hiện quy định mới về tăng thẩm quyền đối với lực lượng Công an cấp xã nên công tác tiếp nhận, xác minh ban đầu của Công an cấp xã còn có những hạn chế như: Việc thu thập chứng cứ, tài liệu ban đầu còn sơ sài, việc áp dụng phương pháp phát hiện, thu lượm, bảo quản các đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ việc chưa đúng theo trình tự, thủ tục quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, quá trình xác minh ban đầu còn kéo dài (quá thời hạn 7 ngày)…
Công an tỉnh cho biết, dự báo thời gian tới, hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, Công an tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp, giải pháp để tập trung chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng xác minh, điều tra các vụ việc, vụ án. Trọng tâm là tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch đấu tranh, phòng chống tội phạm, xây dựng cơ quan cảnh sát điều tra thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại gắn với củng cố, kiện toàn cán bộ. Đồng thời, duy trì chế độ giao ban của lực lượng cảnh sát điều tra, liên ngành tư pháp cùng cấp nhằm chỉ đạo, phối hợp thực hiện có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật và giải quyết kịp thời những vấn đề, vụ án, vụ việc có khó khăn, vướng mắc.
Tăng cường phối hợp, đôn đốc các cơ quan giám định, định giá để đẩy nhanh tiến độ công tác giám định, định giá phục vụ tốt công tác điều tra, xử lý tội phạm, nhất là các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận quan tâm. Tiến hành rà soát, sắp xếp, bố trí, đào tạo để đề nghị bổ nhiệm ĐTV, cán bộ điều tra đối với các trường hợp đủ điều kiện nhằm kịp thời bổ sung kiện toàn đội ngũ có chức danh tư pháp. Tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ cho Công an cấp xã về công tác tiếp nhận và kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm và công tác bảo vệ hiện trường, xác định hiện trường, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc; phát hiện, tạm giữ, bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan theo chức năng quy định...