Theo dõi trên

Nâng cao hiệu quả mô hình Công dân học tập

21/10/2024, 05:04

Cuối tuần qua, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh để trao đổi kinh nghiệm và giải pháp xây dựng hiệu quả mô hình Công dân học tập trên địa bàn tỉnh.

Kết quả bước đầu

Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: Để triển khai thực hiện tốt Chương trình 677 của Chính phủ “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030” và kế hoạch của UBND tỉnh, hàng năm Hội Khuyến học tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo điểm triển khai các mô hình học tập và công dân học tập nhằm rà soát chỉ đạo triển khai thực hiện việc quán triệt, đăng ký, xây dựng các danh hiệu và đánh giá, bình xét công nhận các danh hiệu. Đồng thời, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo của UBND các cấp (huyện, xã); nâng cao trách nhiệm của các cấp Hội Khuyến học trong việc theo dõi chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình học tập, nhất là mô hình “Công dân học tập” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã chọn 7 xã, phường, thị trấn để chỉ đạo điểm ở 7 huyện, thị xã. Qua đó, kịp thời rút kinh nghiệm để tổng kết nhân rộng mô hình “Công dân học tập” trong toàn tỉnh trong năm 2023 và 2024.

picture3.png
Hội nghị trực tuyến trao đổi kinh nghiệm và giải pháp xây dựng hiệu quả mô hình Công dân học tập trên địa bàn tỉnh.

Kết quả bước đầu cho thấy, phong trào học tập suốt đời trong tỉnh tiếp tục được duy trì và có những bước chuyển biến tích cực và có tác dụng thiết thực trên nhiều mặt. Cấp huyện có 10/10 huyện, thị xã, thành phố tổ chức đăng ký, xét đạt danh hiệu “Công dân học tập”. Cụ thể, nhóm nông dân và lao động nông thôn có 118.096/386.141 người đạt 30,6%; nhóm công nhân, lao động tiểu thủ công, thợ nghề 45.579/150.429 người đạt 30,3%; nhóm cán bộ quản lý, CCVC, nhân viên từ cấp xã trở lên, doanh nhân 24.415/31.508 người đạt 77,5%. Cấp tỉnh có 31 sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 677. Trong đó, có 13 đơn vị báo cáo kết quả đăng ký, công nhận thực hiện tốt Chương trình 667. Cụ thể, có 1.061 người được công nhận danh hiệu công dân học tập/1.097 người đăng ký/1.101 tổng số cán bộ, viên chức đạt 96,4%/50% tỷ lệ công dân học tập trong đơn vị học tập. “Để đạt được kết quả nói trên trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự phối hợp, hỗ trợ của Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Hội Khuyến học các cấp đã có nhiều cố gắng, tham mưu và phát huy vai trò nòng cốt, liên kết trong quá trình tổ chức thực hiện”, ông Trung cho biết.

Giải pháp xây dựng hiệu quả mô hình Công dân học tập

Bên cạnh kết quả đạt được, hội nghị đã nêu những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện mô hình Công dân học tập. Cụ thể, công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Chính phủ về thực hiện các mô hình học tập và Công dân học tập chưa sâu, kỹ, chưa lan tỏa trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, người dân chưa biết để tiếp cận tự giác đăng ký xây dựng thực hiện mô hình Công dân học tập. Kinh phí để triển khai các chương trình của Chính phủ chưa được UBND cấp xã quan tâm xem xét, nên nhiều Hội Khuyến học xã và chi Hội Khuyến học thôn, khu phố cũng chưa có kinh phí triển khai. Thực hiện chủ trương xây dựng mô hình “Công dân học tập” phải gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia còn nhiều bất cập. Mặt khác, công dân ở những vùng kinh tế - xã hội khó khăn cũng chưa có điện thoại thông minh để tham gia phần mềm tự đăng ký, đánh giá Công dân học tập. Công tác khuyến học ngày càng được giao thêm nhiều nhiệm vụ; có rất nhiều việc phải thực hiện ở thôn, khu phố, nhưng chế độ cho chi hội trưởng khuyến học thôn, khu phố không có, do đó có nơi hoạt động cầm chừng, hiệu quả chưa cao.

Các thiếu sót, khuyết điểm nêu trên có nhiều nguyên nhân. Nhưng nổi rõ là công tác tuyên truyền, vận động xây dựng các mô hình, nhất là xây dựng mô hình “Công dân học tập” là mô hình mới, nhiều nơi còn làm chiếu lệ, thiếu các biện pháp đi sâu, đi sát phù hợp với từng cơ quan đơn vị, địa phương. Có nơi cấp ủy và chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, còn khoán trắng cho Hội Khuyến học. Đồng thời một số cơ sở Hội Khuyến học chưa làm tốt vai trò tham mưu, nòng cốt trong quá trình liên tịch, phối hợp với các ngành và đoàn thể có liên quan. Kinh phí để Hội Khuyến học cấp huyện, nhất là cấp xã, thôn thực hiện nhiệm vụ được giao triển khai các mô hình học tập còn hạn chế, nhiều nơi chưa cấp kinh phí hoạt động đã ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ. Hạ tầng kỹ thuật phần mềm số hóa việc thu thập minh chứng, cho điểm, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện mô hình Công dân học tập chưa thông suốt, đồng nhất từ Trung ương Hội xuống cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Việc ứng dụng để công dân đăng ký, đăng nhập… thực hiện tự đánh giá chấm điểm còn khó khăn, phức tạp, khó thực hiện, nhất là cơ sở.

Để phát huy những ưu điểm, nhất là khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện mô hình Công dân học tập, Chủ tịch Hội Khuyến học Nguyễn Đình Trung đề nghị Ban Khuyến học các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; Hội Khuyến học các cấp cần tiếp tục tham mưu quán triệt, phổ biến sâu rộng và triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xây dựng các mô hình học tập và công dân học tập đến cán bộ và nhân dân. Qua đó hình thành phong trào tự học, học tập suốt đời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu phát triển của cộng đồng, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cùng với đó, căn cứ vào các kế hoạch thực hiện Chương trình 387 và Chương trình 677 của Chính phủ và nhiệm vụ được giao, hàng năm; Hội Khuyến học phối hợp cơ quan tài chính đề xuất UBND cùng cấp bố trí kinh phí cần thiết để triển khai thực hiện tốt các chương trình của Chính phủ và kế hoạch thực hiện các mô hình học tập của UBND tỉnh, huyện, xã. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tập huấn triển khai thực hiện phần mềm Bộ tiêu chí xây dựng mô hình “Công dân học tập” và Hướng dẫn đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” giai đoạn 2021 – 2030 trong cán bộ, nhân dân. Trước mắt các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và và các địa phương phấn đấu hoàn thành việc tổ chức đánh giá, công nhận Danh hiệu các mô hình học tập và “Công dân học tập” năm 2024 để báo cáo cấp thẩm quyền chậm nhất vào cuối tháng 11/2024; tạo đà để chuẩn bị tổ chức tốt Hội nghị sơ kết 5 năm và Hội nghị biểu dương các mô hình học tập và mô hình “Công dân học tập” tiêu biểu các cấp giai đoạn 2021 – 2025 trong toàn tỉnh. Tiếp tục củng cố và phát triển các tổ chức Hội Khuyến học tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thông qua việc xây dựng danh hiệu các mô hình học tập nhất là công dân học tập trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục củng cố và phát triển các tổ chức Hội Khuyến học tạo nên phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thông qua việc xây dựng danh hiệu các mô hình học tập, nhất là công dân học tập trên địa bàn tỉnh…

THANH THUỶ


(0) Bình luận
Bài liên quan

Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình liên tịch giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Hội Khuyến học tỉnh
BTO-Sáng nay (19/7), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh và Hội Khuyến học tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm (2017 – 2022) thực hiện Chương trình liên tịch số 67-LT/MTTQ-HKH giữa Hội Khuyến học với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về phối hợp vận động, triển khai nhân rộng các mô hình “Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng học tập” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tỉnh Bình Thuận.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao hiệu quả mô hình Công dân học tập