Theo dõi trên

Nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

29/11/2022, 05:13

Thời gian gần đây, Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều chuyến công tác tại tỉnh Bình Thuận với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng lớn, nhất là hạ tầng giao thông.

Đồng thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cũng như định hướng nhiệm vụ thời gian tới của địa phương trong phát triển hệ thống giao thông để phát triển kinh tế - xã hội.

thi-cong-cao-n.jpg
Thi công cao tốc đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo. Ảnh: N.Lân

Xác định giao thông là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư để tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, nhiều công trình giao thông được xây dựng và đưa vào sử dụng có ý nghĩa chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh. Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang triển khai thi công được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ mang một diện mạo tích cực, vững chắc cho giai đoạn phát triển mới của tỉnh. Tỉnh còn tập trung huy động nguồn lực triển khai một số nhiệm vụ trọng yếu mang tính đột phá như đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không. Bình Thuận được biết đến là địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Đây là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp địa phương, là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Bên cạnh năng lượng, du lịch cũng là nhân tố chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế. Du lịch đã tạo nên sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư trong những năm qua. Theo đó Bình Thuận đã thu hút rất nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch khu vực ven biển, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, tổ hợp du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế.

Tính đến nay đã có khoảng 382 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 70.000 tỷ đồng, trong đó 188 dự án đã đi vào hoạt động. Thực tế cho thấy, hiện nay các nhà đầu tư trong và ngoài nước kỳ vọng đó chính là quy hoạch địa phương đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó tỉnh sẽ tập trung xây dựng sớm quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là xây dựng đô thị Phan Thiết xứng tầm, đưa thành phố này trở thành trung tâm văn hóa, du lịch. Nghị quyết số 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận về thúc đẩy huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025 cũng nhấn mạnh: “Tập trung đầu tư hạ tầng, trong đó có tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, đồng thời ưu tiên nguồn vốn đầu tư các tuyến đường ven biển như Phan Rí Cửa - Bình Thạnh, Sơn Mỹ (Hàm Tân) - Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), các tuyến đường ven biển như ĐT 716, 719”. Bên cạnh đó tỉnh sẽ huy động các nguồn lực đầu tư cảng biển, bến du thuyền, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng chuỗi đô thị ven biển. Bởi lẽ, hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có ngành du lịch, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận. Chính vì thế, tỉnh rất chú trọng đến việc đầu tư vào hạ tầng giao thông để rút ngắn khoảng thời gian đi lại của du khách khi đến với Bình Thuận. Theo đó, nhiều tuyến quốc lộ đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, trong đó phải kể đến một số dự án trọng điểm như: Dự án cải tạo nâng cấp QL 1A, QL 55, QL 28, 28B đi qua địa bàn tỉnh, bảo đảm lưu thông thông suốt an toàn. Đặc biệt các tuyến nội tỉnh được chú trọng đầu tư, nâng cấp.

Đến nay đã đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường ven biển Hòa Thắng – Mũi Né và đoạn Mũi Né – Phú Hài, đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng các tuyến đường Lê Duẩn, Hùng Vương (Phan Thiết) và các trục đường giao thông chính kết nối với các khu du lịch của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo rà soát, đầu tư một số đường nhánh xuống biển để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách. Đối với tuyến giao thông đường thủy, đã đầu tư đưa vào sử dụng Cảng Phan Thiết, đảm bảo giao thông thông suốt, ổn định tuyến Phan Thiết – Phú Quý, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội huyện đảo Phú Quý, nhất là du lịch. Hiện tỉnh đang nỗ lực cùng với các bộ, ngành Trung ương tập trung đầu tư một số công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, Sân bay Phan Thiết… Đây là công trình có ý nghĩa, mang tính chiến lược lâu dài trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc đầu tư tuyến đường sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn và đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế của địa phương.

Để Bình Thuận trở thành trọng điểm du lịch quốc gia, việc đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông là một trong những điều kiện tiên quyết. Theo đó, tỉnh sẽ tận dụng các nguồn lực ưu tiên đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm mang tính kết nối. Trong đó, điểm nhấn là tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh và dự án Sân bay Phan Thiết. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho địa phương trong thời gian tới.

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sôi động trên công trường cao tốc
Theo chân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cùng Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng và các ngành chức năng liên quan đi thực tế hiện trường kiểm tra tuyến cao tốc đường bộ Vĩnh Hảo – Phan Thiết, chúng tôi đã ghi nhận được tinh thần làm việc hăng say cả ngày lẫn đêm của đội ngũ công nhân làm đường…
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội