Vùng đất nhiều tiềm năng và lợi thế
Đặc biệt về nông sản, Bình Thuận được mệnh danh là “thủ phủ” thanh long với sản lượng hơn 600.000 tấn trái/năm, đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định là loại trái có lợi thế cạnh tranh trong 11 loại trái cây ở Việt Nam. Được biết trên địa bàn tỉnh hiện có 35 hợp tác xã, 1 Liên hiệp Hợp tác xã sản xuất thanh long, 240 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long, 30 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tươi và 16 cơ sở chế biến các sản phẩm từ loại trái cây này như: Thanh long sấy khô - dẻo, nước ép thanh long, rượu thanh long, kẹo thanh long… Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, thời gian qua người trồng thanh long tại Bình Thuận luôn quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh triển khai quy trình sản xuất an toàn trên trái thanh long.
Còn với thủy sản, địa phương là 1 trong 3 ngư trường trọng điểm của cả nước, vùng biển Bình Thuận cũng được đánh giá giàu nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam. Những năm qua, cơ cấu tàu thuyền trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực và từng bước giảm dần tàu thuyền công suất nhỏ, tăng nhanh tàu công suất lớn để khai thác xa bờ, hàng năm sản lượng khai thác đạt khoảng 200.000 - 210.000 tấn.
Theo ghi nhận của Sở Công Thương, đến nay toàn tỉnh đã có 632 mã số vùng trồng thanh long, chủ yếu là mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ... Ngoài ra địa phương cũng có nhiều cơ sở đóng gói được phê duyệt mã số, trong đó tập trung vào thị trường Trung Quốc (hơn 300 mã số) và một số thị trường khác. Trong khi lĩnh vực thủy sản có 207 cơ sở, doanh nghiệp tham gia thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản xuất khẩu và chú trọng chế biến sản phẩm theo chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, Halal, ISO 22000:2005). Nhờ đó chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu thụ nội địa cũng như tại những thị trường xuất khẩu tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Italia, Mỹ…
Tiếp tục quảng bá, mở rộng thị trường
“Tốc độ tăng giá trị tăng thêm lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản đạt 7,5%; số sản phẩm được phép xuất khẩu nông lâm thủy sản đi các thị trường có yêu cầu cấp phép tăng 10% (so với năm 2023)”… Đây là một trong những chỉ số mà Bình Thuận hướng đến theo Kế hoạch đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024 vừa được UBND tỉnh ban hành. Kế hoạch này cũng đề ra giải pháp tăng cường khảo sát, cung cấp thông tin thị trường trong nước và trên thế giới về thị phần, thị hiếu, giá cả, các tiêu chuẩn sản phẩm để xây dựng kế hoạch phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong nước lẫn quốc tế…
Tham gia thực hiện, Sở Công Thương được giao chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất với tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Ngoài ra còn phối hợp với Bộ, ngành liên quan phổ biến đến doanh nghiệp thông tin về thị trường và vận động, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản tham gia các nội dung trong chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp địa phương tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, khu vực và quốc tế đối với từng mặt hàng, nhóm hàng cụ thể.
Liên quan vấn đề này, mới đây sở chức năng của tỉnh cũng đã phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024” vào cuối tháng 4 vừa qua. Ngay tại thị trường tiềm năng nhất cả nước, các doanh nghiệp địa phương tập trung giới thiệu gần 190 sản phẩm đặc trưng từ miền biển, hải đảo đến vùng đồng bằng, miền núi gắn với lợi thế của Bình Thuận. Trong đó nổi bật là các sản phẩm nước mắm truyền thống, sản phẩm chế biến từ thủy sản, thanh long, tổ yến… và đa dạng sản phẩm chế biến từ nông sản khác. Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng và đáp ứng yêu cầu của thị trường cũng chính là động lực quan trọng để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh có cơ hội đưa sản phẩm đặc trưng, lợi thế của tỉnh nhà đến gần hơn với người tiêu dùng nội địa, từng bước vươn xa và thâm nhập thành công tại các thị trường nước ngoài.
Tới đây, địa phương cũng sẽ tăng cường phát triển thương mại điện tử nhằm giúp cơ sở sản xuất - kinh doanh tìm kiếm, mở rộng thị trường và người tiêu dùng tham gia các hoạt động mua hàng hóa bằng hình thức trực tuyến. Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả thông tin thị trường để định hướng, khuyến khích phát triển sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn. Tiếp tục mở rộng thị trường trong nước, kết nối đưa nông, thủy sản của tỉnh vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích…