Theo dõi trên

Năng lượng tái tạo với mục tiêu phát triển bền vững

28/02/2023, 05:21

Bình Thuận là địa phương có tiềm năng và lợi thế về sản xuất năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) đứng hàng đầu của cả nước. Ở lĩnh vực này, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án thì tỉnh cũng định hướng khai thác hiệu quả gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy số giờ gió, giờ nắng cũng như tốc độ gió, bức xạ mặt trời tại Bình Thuận luôn cao và ổn định nên rất phù hợp, thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời. Cụ thể về năng lượng gió đã ghi nhận tốc độ gió trung bình tại địa phương là 6,8 m/s, còn số giờ gió trung bình để sản xuất điện đạt khoảng 3.800 giờ/năm, cao hơn so với tốc độ gió lẫn số giờ gió trung bình ở phía Nam. Về năng lượng mặt trời, Bình Thuận có số giờ nắng đạt trung bình khoảng 2.728 giờ/năm, cao hơn số giờ nắng trung bình của khu vực từ Đà Nẵng trở vào (từ 2.000 - 2.500 giờ/năm). Hơn nữa, thời gian có nắng để sản xuất điện trên địa bàn tỉnh hầu như quanh năm, số ngày nắng trung bình và tổng lượng bức xạ mặt trời trung bình đều cao hơn mức trung bình của khu vực…

z4138608927546_72b5fcc3f11d6b8b1536a79f87c4d26d.jpg
Đầu tư dự án điện gió trên địa bàn Bình Thuận (Ảnh minh họa).

Với lợi thế và tiềm năng to lớn đó, từ năm 2010 tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và được Bộ Công Thương phê duyệt vào năm 2012. Cụ thể đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt xấp xỉ 700 MW, với sản lượng điện gió tương ứng khoảng 1.500 triệu kWh. Còn đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 2.500 MW, với sản lượng điện gió tương ứng là 5.475 triệu kWh… Tương tự với điện mặt trời, địa phương cũng xây dựng Quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển đến thời điểm này có tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 6.199 MWp, sản lượng điện tương ứng khoảng 9.769 triệu kWh. Trong đó giai đoạn đến năm 2020 có tổng công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 1.662 MWp với sản lượng điện tương ứng khoảng 2.619 triệu kWh, còn đến năm 2025 nâng công suất lắp đặt lên 4.765 MWp với sản lượng điện tương ứng 7.510 triệu kWh.

Thực tế cho thấy thời gian qua, các chính sách ưu đãi đối với dự án sản xuất năng lượng tái tạo cũng tạo điều kiện cho địa phương thu hút đầu tư, phát huy lợi thế trên lĩnh vực này. Thống kê đến cuối năm ngoái, toàn tỉnh có 35 nhà máy điện năng lượng tái tạo đang hoạt động phát điện với tổng công suất xấp xỉ 1.410 MW, bao gồm: 9 nhà máy điện gió có tổng công suất 299,6 MW, 26 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1.110,11 MW (tương đương 1.344 MWp). Được biết trong năm 2022 vừa qua, các nhà máy điện năng lượng tái tạo tại Bình Thuận có tổng sản lượng điện sản xuất đạt hơn 2.732 triệu kWh, tính riêng sản lượng điện sản xuất của 26 nhà máy điện mặt trời là 2.075 triệu kWh.

Tiềm năng về năng lượng tái tạo mà Bình Thuận đang sở hữu không thể không nhắc tới điện gió ngoài khơi, bởi hiện nay đã có 9 dự án với tổng công suất 25.200 MW được các nhà đầu tư đăng ký, đề xuất triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự án Thăng Long Wind (công suất đề xuất là 3.400 MW) được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát…

Tận dụng điều kiện thuận lợi của ngành năng lượng tái tạo, địa phương cũng tính đến khai thác tối đa hiệu quả tài nguyên gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Như các dự án điện gió, điện mặt trời hầu hết được chấp thuận đầu tư tại những vị trí đất đai bạc màu, vùng đất cát không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hoặc hiện trạng thảm thực vật nghèo nàn. Nhờ đó từng bước biến bất lợi trước tác động của biến đổi khí hậu trở thành lợi thế để thu hút dự án sản xuất năng lượng tái tạo, phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Còn việc phát triển điện gió ngoài khơi (thông qua quá trình sử dụng nguồn điện gió ngoài khơi điện phân nước biển để tạo ra hydro xanh và các hóa chất ngành công nghiệp), Bình Thuận sẽ khuyến khích việc khởi tạo và phát triển ngành công nghiệp sản xuất, xuất khẩu năng lượng hydrogen.

Có thể nói, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang tham gia đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp tỉnh nhà, đồng thời sẵn sàng cung ứng điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đ.QUỐC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giữ “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế
Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế của Bình Thuận có tín hiệu khởi sắc trở lại, trong đó nhiều lĩnh vực đã khôi phục khá nhanh và đạt mức tăng trưởng cao. Do vậy bước vào năm 2023, địa phương tiếp tục nỗ lực vượt khó cũng như tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để giữ vững “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế tỉnh nhà.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năng lượng tái tạo với mục tiêu phát triển bền vững