Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
Ông Lê Văn Chính (thôn Thuận Minh, xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam) là một trong những hộ tiên phong trồng thanh long ruột đỏ từ năm 2005. Gia đình ông mua hom giống trồng 1 ha do Viện Cây ăn quả miền Nam giới thiệu điểm cung ứng giống. Với diện tích trên, ông Chính nhân rộng vườn thanh long đến nay hơn 3,5 ha, khi có trái chín bán cho thương nhân xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Chính là một trong số nhiều hộ dân tại xã Thuận Quý có diện tích trồng thanh long ruột đỏ nhiều ở huyện Hàm Thuận Nam. Phần lớn nông dân mua giống từ những cơ sở cung ứng giống ở các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ hoặc người dân địa phương chuyển nhượng. Giá bán dao động từ 15.000 - 40.000 đồng mỗi hom giống tùy thời điểm.
Những năm gần đây, trong bối cảnh dịch Covid-19, hội nhập quốc tế sâu rộng, áp lực cạnh tranh của thị trường tiêu thụ nông sản, nhu cầu ngày càng đòi hỏi khắt khe về mặt chất lượng và rào cản kỹ thuật. Điều này đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với ngành sản xuất nông sản nói chung và thanh long nói riêng. Do đó, áp dụng giống mới, thay đổi phương thức canh tác, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu... là những vấn đề mấu chốt sẽ giúp ngành sản xuất thanh long chuyển dịch nhanh chóng từ “lượng” sang “chất”.
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam (Viện), đơn vị đã thực hiện nhiều nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Bao gồm từ khâu chọn tạo giống mới phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ, cải tiến phương thức canh tác truyền thống, giới thiệu kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiện đại, quản lý tổng hợp dịch hại và giảm tổn thất sau thu hoạch. Qua đó đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng, phát triển ngành sản xuất thanh long bền vững.
Chọn tạo giống hiệu quả
Công tác chọn tạo giống cây ăn quả, rau và hoa đã được Viện xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược nghiên cứu dài hạn, cùng với chương trình chọn tạo giống phù hợp đã tạo ra một số giống thanh long cho sản xuất giai đoạn 2018 đến nay hiệu quả. Đó là giống thanh long ruột trắng Long Định 17 (LĐ) có khả năng ra hoa tự nhiên sau 8 tháng trồng (sớm hơn 4 tháng so với giống thanh long đối chứng). Đáng chú ý, khi xử lý ra hoa nghịch vụ bằng phương pháp sử dụng ánh sáng đèn thì số nụ hoa trên trụ nhiều hơn 8,82% so giống thanh long đối chứng. Ngoài ra, cây có khả năng chống chịu khá tốt với bệnh đốm nâu. Loại giống thanh long LĐ 17 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống chính thức vào năm 2019. Bên cạnh đó, Viện đã nghiên cứu chọn tạo giống thanh long ruột trắng LĐ 18 có khả năng ra hoa sau 6 tháng trồng. Trái có khối lượng to hơn so với giống thanh long thường và được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, cho sản xuất thử năm 2019…
Việc nông dân chủ động chuyển đổi các giống thanh long mới nhằm thay thế các giống đã thoái hóa, già cỗi để nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, các tranh cãi và lo lắng của người dân, doanh nghiệp về vấn đề bản quyền giống thanh long là vấn đề cần quan tâm. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trung tâm đã làm việc với Viện Cây ăn quả miền Nam để đưa giống mới thanh long ruột trắng LĐ 17 và 18 có ưu thế vượt trội về trồng thử nghiệm tại Bình Thuận trong thời gian tới. Bên cạnh đó, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao nhiệm vụ cho trung tâm làm cầu nối với các công ty trong tỉnh liên quan đến bản quyền giống thanh long ruột tím hồng. Qua đó, nhằm khai thác phát huy các giống thanh long có tiềm năng lợi thế thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. Trên cơ sở đó, tạo thế mạnh cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các nước nhập khẩu đòi hỏi khắt khe hơn về mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc nông sản xuất khẩu.