Theo đó, từ ngày 8 - 10/2, một số hợp tác xã canh tác thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Bắc Bình sẽ được các chuyên gia của dự án UNDP truyền đạt những nội dung liên quan về biến đổi khí hậu và phát thải nhà kính.
Đồng thời, hướng dẫn nông dân xác định dấu vết các-bon trong sản xuất thanh long bằng việc xác định ranh giới hệ thống, nhận diện các hoạt động phát thải trong chuỗi sản xuất…
Lớp tập huấn cũng tiến hành thảo luận nhóm tại hiện trường về số liệu hoạt động của các mô hình canh tác thanh long. Mặt khác, thực hiện điều tra mô hình sản xuất thanh long VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ và canh tác truyền thống.
Theo nhóm chuyên gia tại lớp tập huấn, dấu vết các - bon là lượng khí nhà kính phát thải trong quá trình sản xuất để tạo ra một đơn vị sản phẩm (tính bằng CO2/kg sản phẩm). Việc xác định dấu vết các – bon và các nguồn gốc gây phát thải chính trong quá trình sản xuất thanh long làm cơ sở đánh giá và đề xuất các giải pháp làm giảm nhẹ phát thải nhà kính theo hướng sản xuất xanh.
Được biết những năm gần đây, Bình Thuận chú trọng đến nâng cao chất lượng trái thanh long bằng việc tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp học hỏi, cập nhật những thông tin mới từ các rào cản kỹ thuật mà các nước nhập khẩu quy định.
Trên cơ sở đó, hình thành chuỗi giá trị sản xuất thanh long xanh, minh bạch và chính xác về truy xuất nguồn gốc, hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng thị trường tiêu thụ.