Theo dõi trên

Tháo gỡ khó khăn để phát triển thanh long VietGAP

06/01/2023, 16:37

BTO-Đó là một trong những nội dung được tập trung thảo luận tại hội nghị sơ kết chương trình sản xuất và chứng nhận thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, giai đoạn 2020- 2022 tại Bình Thuận, diễn ra ngày 6/1/2023.

z4018125137737_3e1a79d11ea9662df911626b7a0e9204.jpg
Thảo luận tại hội nghị.

Hội nghị dưới sự chủ trì của ông Phan Văn Tấn- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cùng sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan; đại diện các tổ sản xuất thanh long VietGAP và các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, mục đích của sản xuất thanh long VietGAP là tạo ra nguồn thực phẩm đạt chất lượng, an toàn tới người tiêu dùng, đảm bảo quy trình an toàn cho người sản xuất. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, hầu hết nông dân đã nắm chắc phương pháp sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, sẵn sàng đáp ứng khi thị trường có yêu cầu. Tuy nhiên thời gian gần đây, giá thanh long xuống thấp, thị trường tiêu thụ thanh long an toàn chưa ổn định, dẫn đến diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giảm mạnh.

z3829996233894_bdf56ed8076f2c54cb6bd8df97777c7e.jpg
Thanh long Bình Thuận

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những tồn tại, khó khăn khiến diện tích thâm canh giảm sâu theo các năm, việc tái cấp VietGAP chưa ổn định theo chỉ tiêu kế hoạch… Theo đó, đại diện phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Nam nêu ý kiến: giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long VietGAP thiếu ổn định khiến người dân chưa thật sự quan tâm, nên gặp khó khăn trong việc thành lập tổ, nhóm sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cũng như thực hiện tái cấp. Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh, dẫn đến nông dân gặp khó khăn trong đầu tư sản xuất. Một số ý kiến khác cho rằng, sản xuất thanh long theo VietGAP tốn nhiều công sức như tuân thủ quy định vệ sinh, ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình… nhưng giá bán không chênh lệch nên nông dân không mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…

z3975813564411_394f02d7a042db27543b2becad4ce537.jpg
Sơ chế thanh long xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến cuối năm 2021, diện tích thanh long của tỉnh là 33.750 ha, với khoảng 12.400 ha được cấp chứng nhận VietGAP, chiếm 35% tổng diện tích thanh long toàn tỉnh và gần 355 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP; sản lượng khoảng 700.000 tấn/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch covid-19 nên nhiều loại vật tư phục vụ sản xuất tăng cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng trên toàn thế giới và trong nước nên một số hộ trồng thanh long đã phá bỏ. Hiện nay diện tích cây thanh long trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 26.977 ha, giảm 5.283 ha; sản lượng đạt 600.500 tấn, giảm 80.400 tấn so với năm 2021.

Với mục tiêu tăng tỷ trọng diện tích vùng trồng thanh long đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ, Bình Thuận phấn đấu năm 2023 sẽ có 9.500 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, trong đó diện tích tái cấp là 3.220 ha. Để đạt được điều đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các địa phương, hiệp hội thanh long và các cơ sở, doanh nghiệp xuất khẩu tổ chức lại sản xuất. Song song, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và từng thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và quy trình sản xuất nông sản an toàn. Song song, phối hợp với các ngành liên quan củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của hợp tác xã; vận động người sản xuất tham gia vào hợp tác xã để sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, từ đó liên kết với doanh nghiệp để sản xuất - tiêu thụ bền vững.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Năm mới, hy vọng thanh long vượt khó
Sau nhiều năm liên tục phát triển “nóng”, phá vỡ các quy hoạch, năm 2022 ghi nhận diện tích cây thanh long ở “vương quốc thanh long” Bình Thuận đã thu hẹp đáng kể. Còn nhớ hồi tháng 3 năm nay, giá thanh long tại vườn chỉ còn 500 - 1.500 đồng/kg, mà bán không ai mua, khiến các nhà vườn điêu đứng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ khó khăn để phát triển thanh long VietGAP