Theo dõi trên

Năm mới, hy vọng thanh long vượt khó

09/12/2022, 05:12

Sau nhiều năm liên tục phát triển “nóng”, phá vỡ các quy hoạch, năm 2022 ghi nhận diện tích cây thanh long ở “vương quốc thanh long” Bình Thuận đã thu hẹp đáng kể. Còn nhớ hồi tháng 3 năm nay, giá thanh long tại vườn chỉ còn 500 - 1.500 đồng/kg, mà bán không ai mua, khiến các nhà vườn điêu đứng.

Ở huyện Bắc Bình, tính đến cuối năm 2022 diện tích cây thanh long còn hơn 3.000 ha, giảm hơn 1.500 ha, trong đó hơn một nửa bị nông dân phá bỏ, chuyển sang trồng dừa, xoài, mít, chuối… một nửa còn lại bà con bỏ bê không chăm sóc. Sản lượng trái thanh long của huyện năm nay giảm mất một nửa so với năm ngoái.

z2996872374016_e4041fb16c007bdea7d8619d3dbd8960.jpg

Còn ở Hàm Thuận Bắc, diện tích thanh long còn khoảng 5.800 ha, giảm 3.550 ha so với cuối năm 2019. Mấy năm liền ảnh hưởng dịch bệnh, Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” và lệnh 248, 249, giá thanh long giảm sâu, nhiều thời điểm không tiêu thụ được, trong khi giá vật tư đầu vào tăng cao, nhiều nhà vườn lỗ nặng, không đủ sức tái đầu tư điện, nước, phân, thuốc, nhân công chăm sóc vườn thanh long nữa. Nông dân bỏ bê hoặc phá bỏ thanh long chuyển sang cây trồng khác. Những vườn thanh long già cỗi, năng suất, chất lượng kém, bị phá đầu tiên.

Ở “thủ phủ” thanh long huyện Hàm Thuận Nam (15.000 ha), tình hình không khả quan hơn. Nhìn ra ngoài tỉnh, nhiều vùng chuyên canh thanh long lớn ở đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Long An… nông dân cũng phá bỏ nhiều diện tích thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác, do thua lỗ kéo dài. Tình hình chung là bà con ta phá bỏ thanh long nhưng còn loay hoay chưa biết nên thay thế bằng cây gì cho phù hợp và hiệu quả? Không khéo lại lẩn quẩn “trồng, chặt, chặt, trồng” như nhiều loại cây trồng khác. Chính quyền chỉ biết khuyến cáo nông dân không nên chuyển đổi ồ ạt, mà thận trọng xem loại cây thay thế có phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương không? Có thị trường tiêu thụ chưa?

Trước đây thanh long có giá, dù chính quyền luôn khuyến cáo người dân không tự phát mở rộng diện tích, cấm trồng thanh long trên đất lúa, nhưng bà con ta cứ “mạnh ai nấy trồng”, thậm chí lén lút xuống trụ trồng thanh long vào ban đêm. Hậu quả diện tích, sản lượng tăng vọt, làm cạn kiệt nguồn nước tưới, quá tải cung ứng điện, thị trường, giá cả bấp bênh do cung vượt cầu, nhiều lần khủng hoảng thừa, phải kêu gọi cộng đồng “giải cứu”. Nay thanh long mất giá khó tiêu thụ, chính quyền khuyến cáo nông dân không nên vội vàng phá bỏ vườn, hay bỏ bê cho cây thanh long teo tóp kiệt sức, mà cần duy trì chăm sóc phù hợp, để tiết kiệm chi phí, cố gắng giữ vườn thanh long. Nhưng bên cạnh các nhà vườn dù thất bát vẫn quyết bám trụ giữ vườn để chờ thời, với niềm tin giá thanh long sẽ tăng trở lại, thì nhiều nhà vườn đã phá bỏ cây thanh long, dù tiếc đứt ruột. Đó là quyền của nông dân trên mảnh đất của họ. Sang năm mới nếu tình hình thị trường, giá cả tiêu thụ thanh long không được cải thiện tích cực, thì diện tích trồng thanh long sẽ tiếp tục thu hẹp.

Tiếp xúc cử tri Bình Thuận sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nghe bà con phản ánh tình hình nông dân trồng thanh long gặp nhiều khó khăn do giá bán thấp, trong khi giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao, dẫn đến nhiều nơi phá bỏ thanh long. Cử tri còn kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ, để sản xuất thanh long phát triển bền vững, bảo đảm đời sống nông dân.

Sản xuất, tiêu thụ trái thanh long bền vững - Đó không chỉ là mong muốn của cử tri, mà còn là chủ đề của nhiều cuộc hội thảo do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức trong năm nay. Với Bình Thuận, thanh long không chỉ là cây trồng chủ lực, mà còn là người bạn tri âm tri kỷ đã giúp nông dân đổi đời, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn giúp nông dân làm giàu, giúp nhiều hộ xây biệt thự, tậu xe sang, nuôi con cái học hành thành đạt. Vì vậy dù trong lúc thất bát, phần đông bà con vẫn thủy chung với cây thanh long, với hy vọng sang năm mới cây thanh long sẽ vượt khó.

ĐẶNG DŨNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngăn chặn quà tết biến tướng
Tuần qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023. Trong đó Ban Bí thư yêu cầu: Nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm mới, hy vọng thanh long vượt khó