Tặng quà ngày tết là một nét đẹp truyền thống của dân tộc ta mỗi khi tết đến xuân về. Nhưng phong tục ấy đã bị biến tướng, trở thành “cơ hội vàng” cho một bộ phận cán bộ, quan chức thoái hóa trục lợi, đưa và nhận hối lộ, mua bán , đổi chác một cách dễ dàng. Người ta không chỉ biếu tặng quà tết để cảm ơn đã quan tâm, nâng đỡ, mà còn để bôi trơn, chạy dự án, chạy chức, chạy quyền, chạy án… Biến tướng quà tết rất đáng báo động, gây nhức nhối trong đời sống - xã hội, nhưng ngăn chặn nó không dễ, nhất là khi cả người cho, người nhận đều vui vẻ, cùng có lợi.
Dư luận từng phản ánh, nhiều năm trước cứ vào giáp tết là người, xe lại nườm nượp kéo về Hà Nội, địa phương kéo về Trung ương, cấp dưới đi tết cấp trên, đến nỗi có khi dòng xe cộ tấp nập chen lấn để biếu quà tết một lãnh đạo làm tắc nghẽn cả một con phố dài.
Ngay cả khi có chỉ thị nghiêm cấm biếu tặng quà tết cho lãnh đạo, thì chuyện “đi tết cấp trên” vẫn diễn ra nhộn nhịp. Đến mức ngay trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải nhắc nhở các địa phương: “Tết không mang quà biếu ra Hà Nội, các địa phương không xe cộ ùn ùn đến nhà các lãnh đạo, không tặng quà chúc tết Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng, mà dành thời gian tập trung lo tết cho dân”.
2 - 3 năm lại đây, khi “lò” đốt tham nhũng của Tổng Bí thư ngày càng nóng rực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, đương chức hay đã nghỉ hưu, thì biến tướng quà tết có vẻ đi vào tinh vi, kín đáo hơn trước. Người ta không cần gặp gỡ, trao phong bì, hay lỉnh kỉnh tay xách nách mang quà cáp đến nhà lãnh đạo, mà vẫn có thể chuyển khoản, tặng nhau sổ tiết kiệm, căn hộ cao cấp, hay lại quả phần trăm dự án… Nhiều quan tham khi đứng trước vành móng ngựa đã làm dư luận giật mình sửng sốt khi khai ra những món quà tết “khủng” mà họ đã nhận. Chuyện quà tết chỉ “anh biết, tôi biết, trời biết, đất biết”, nếu quan tham không “ngã ngựa” thì dư luận chẳng bao giờ ngờ được quà tết lại biến tướng tới mức ấy.
Dư luận ủng hộ chủ trương nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức, nhưng còn băn khoăn, trăn trở với câu hỏi: Làm sao ngăn chặn được biến tướng quà tết ngày càng tinh vi? Biện pháp tốt nhất tới nay vẫn là nâng cao đạo đức cán bộ và tinh thần nêu gương của người lãnh đạo. Bởi vì biến tướng quà tết thường chỉ liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn. Vì vậy Chỉ thị 19 của Ban Bí thư nêu rõ: Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng phải thật sự nêu gương trong việc thực hiện vui xuân, đón tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Đấu tranh phê phán quà tết biến tướng cũng là để bảo vệ truyền thống tốt đẹp tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Cùng với nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo, Chỉ thị 19 của Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể phải quan tâm đến thăm hỏi, tặng quà, chúc tết các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, người dân các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, miền núi, dân tộc thiểu số, công nhân bị mất việc làm tại các khu công nghiệp… để mọi người, mọi nhà đều có tết.