Theo dõi trên

Thị trường thanh long vụ tết sẽ khả quan?

22/12/2022, 05:04

Dịp Tết Dương lịch 2023 đã đến gần. Như thường lệ mọi năm, thời điểm này nông dân trồng thanh long trong tỉnh sẽ đồng loạt chong đèn trái vụ để bán ra thị trường. Tuy nhiên, năm nay cùng với diện tích thanh long giảm, kéo theo việc đầu tư chăm sóc vụ nghịch cũng ít hơn. Một số doanh nghiệp, nông dân kỳ vọng, khi sản lượng ít, thị trường thanh long dịp tết sẽ khả quan hơn so năm ngoái.

Nông dân dè dặt, đầu tư rải vụ

Tại huyện Hàm Thuận Bắc, tổng diện tích thanh long đã trồng từ trước đến nay trên địa bàn hơn 9.364 ha. Nhưng đến thời điểm này số diện tích đang sản xuất chỉ còn khoảng 5.811 ha, giảm trên 3.553 ha. Đây là những diện tích bỏ không sản xuất hoặc nhổ trụ chuyển đổi sang cây trồng khác. Một trong những nguyên nhân được lãnh đạo địa phương đánh giá là vài năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá cả thanh long bấp bênh hoặc không bán được, nên bà con thiếu vốn đầu tư, hoặc dè dặt sợ thua lỗ. Để đáp ứng thị trường Tết Nguyên đán 2023, nhiều hộ dân chỉ chong đèn 20-30% diện tích, còn lại cuốn chiếu chong đèn rải vụ. Đơn cử hộ chị Lê Thị Bích Liên, xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc đang chong đèn 400 trụ thanh long nhưng đang ở giai đoạn búp, khoảng 5 ngày nữa mới trổ bông, dự kiến bán dịp sau Tết Nguyên đán. Chị Liên cho biết, do năm ngoái ảnh hưởng dịch Covid-19, thanh long bán giá rẻ, bị lỗ nên chị và nhiều hộ xung quanh không có tiền đầu tư.

z3975813564411_394f02d7a042db27543b2becad4ce537.jpg
Thanh long Bình Thuận

Còn gia đình ông Trương Văn Hồng, xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc có 3.000 trụ thanh long. Trước tình hình thị trường hiện tại, ông đã chủ động chong đèn lệch pha, rải vụ thu hoạch vào các thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Ít ngày trước đây, lứa trái chong đèn của ông Hồng chỉ bán được giá 5.000 đồng/kg, nên không có lãi. Thời điểm hiện tại, giá thanh long đại trà ruột trắng đang ở mức từ 9.000 - 12.000 đồng/kg nhưng lại chưa đến thời điểm thu hoạch. Với thực tế sản lượng thanh long ít, nhu cầu tiêu thụ dịp tết tăng cao, hy vọng giá bán những ngày tới sẽ khả quan hơn.

Về phía doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu, ông Trần Quốc Thắng - xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam), chủ một doanh nghiệp sản xuất, thu mua và xuất khẩu theo chuỗi dự đoán thị trường thanh long tết năm nay sẽ khá hơn. Một trong những lý do là dịp này thị trường thanh long trong nước bán được nhiều hơn, tình hình thông quan các cửa khẩu phía Bắc được cải thiện. Còn với thanh long “sạch” theo chuẩn xuất khẩu chính ngạch, doanh nghiệp vẫn thu mua giá ổn định 17.000 đồng/kg thanh long trắng, 25.000 đồng/kg thanh long đỏ và 20.000 đồng/kg thanh long tím hồng tại các nhà vườn sản xuất theo chuỗi.

z3975812791192_1c2f2fde4356fbec6f26d853482a4419.jpg
Nông dân Hàm Thuận Bắc chăm sóc thanh long

Chú trọng đến chất lượng, an toàn thực phẩm

Về phía ngành nông nghiệp tỉnh, theo ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, năm 2022 diện tích thanh long toàn tỉnh đạt gần 28.000 ha, giảm 4.945 ha so cuối năm 2021. Nguyên nhân do giá thanh long bấp bênh khiến người dân không chăm sóc mà chặt bỏ, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Đến cuối năm nay, toàn tỉnh có 11.900 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, hơn 500 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP và 93 ha thanh long được cấp chứng nhận hữu cơ. Sản lượng thanh long năm 2022 ước đạt 600.500/712.500 tấn kế hoạch, đạt 84,3%. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT nhìn nhận, hiện nay việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp còn hạn chế. Việc theo dõi, chỉ đạo khâu tiêu thụ ở một số nông sản chưa đạt hiệu quả cao, nhất là thanh long…

Trước diễn biến khó lường của thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cần bình tĩnh, tránh hoang mang, cân nhắc kỹ việc chặt bỏ thanh long. Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối và tập trung tiêu hủy nguồn bệnh để hạn chế thấp nhất bệnh đốm nâu trên thanh long. Các địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cấp chứng nhận VietGAP. Nông dân không phát triển thêm diện tích trồng mới mà tập trung vào thâm canh, chăm sóc cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong tháng 12/2022, Bộ Công Thương đã gửi văn bản đến UBND các tỉnh, thành phố có nông sản xuất khẩu qua biên giới, bao gồm Bình Thuận về việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phía Bắc dịp lễ, tết sắp tới. Trong đó, khuyến cáo các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản và trái cây tươi chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và tác động bất lợi khác. Song song, chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch. Nông dân, doanh nghiệp cần chú trọng sản xuất, đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249. Thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn, cùng các yêu cầu khác liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.

Với những nỗ lực của nông dân và các cấp, ngành liên quan, kỳ vọng về thị trường thanh long vụ tết sẽ khả quan.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ thanh long
BTO- Chiều 28/11, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận do ông Nguyễn Hữu Thông- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì, đã có buổi làm việc, tổ chức hội thảo với lãnh đạo UBND huyện Hàm Thuận Bắc về sản xuất và phát triển bền vững trái thanh long. Cùng dự có các ĐBQH tỉnh gồm bà Bố Thị Xuân Linh- Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường thanh long vụ tết sẽ khả quan?