Theo dõi trên

NATO tiếp tục tính giải pháp cho xung đột Ukraine-Nga

16/03/2022, 15:24

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO hôm nay (16/3) diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

NATO sẽ thể hiện sự ủng hộ với Ukraine như thế nào?  

Chủ đề lớn nhất của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO vào thời điểm này không có gì khác ngoài cuộc chiến tại Ukraine. Trước hết cần phải xác định rõ rằng, ngay từ đầu khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, khối quân sự NATO đã tuyên bố rất rõ và nhắc lại nhiều lần, rằng NATO không sẽ không can dự vào cuộc chiến này, sẽ không trực tiếp đối đầu quân sự với Nga, do Ukraine không phải là một thành viên NATO và NATO không muốn chiến tranh với Nga vì khi đó thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ một cuộc chiến tranh tổng lực mang tính huỷ diệt. Do đó, cho đến nay, NATO không viện trợ vũ khí trực tiếp cho Ukraine dưới danh nghĩa NATO. Việc cung cấp vũ khí cho Ukraine hoàn toàn là do các quốc gia thành viên NATO tự nguyện thực hiện.

Điều này cũng khác với Liên minh châu Âu. Liên minh châu Âu là một tổ chức chính trị, kinh tế nên dù việc khối này chi đến 1 tỷ euro giúp Ukraine mua vũ khí cũng không bị xem như là trực tiếp tham chiến. Nếu NATO hành động như EU, thì với tư cách là một tổ chức quân sự, xem như NATO đã trực tiếp là một bên tham chiến. Tất nhiên, tất cả những điều này đều chỉ có ý nghĩa tương đối trong hoàn cảnh hiện nay, bởi thực chất thì ai cũng hiểu NATO đang đứng sau viện trợ quân sự cho Ukraine chống lại Nga, nhưng về mặt danh nghĩa, NATO cũng không muốn bị kéo trực tiếp vào cuộc chiến này.

Hiện nay, có 2 vấn đề lớn được quan tâm trong việc NATO trợ giúp quân sự cho Ukraine. Đầu tiên, đó là việc Ukraine yêu cầu Mỹ cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Tuần trước, chính phủ Ba Lan đã mở đường cho yêu cầu này khi cho biết nước này sẵn sàng trao số máy bay chiến đấu MiG-29 của nước này cho Mỹ, và qua đó Mỹ chuyển giao cho Ukraine.

Ngoài Ba Lan, một số quốc gia Đông Âu cũ như Romania và Bulgaria hiện cũng vẫn đang sử dụng máy bay chiến đấu MiG-29 do Liên Xô sản xuất và cũng là loại máy bay mà các phi công Ukraine có thể lập tức điều khiển. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã lập tức loại bỏ phương án này vì cho rằng không khả thi và không hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay Hạ viện và Thượng viện Mỹ đang có xu hướng gây sức ép buộc chính quyền của ông Joe Biden xem xét lại khả năng này nên nếu Mỹ thay đổi ý định, chấp nhận cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine thì đây có thể sẽ là một bước ngoặt quan trọng, khiến xung đột leo thang trầm trọng hơn.

Nhưng, nguy cơ leo thang nghiêm trọng nhất là từ yêu cầu lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine. Chính quyền Ukraine đã nhiều lần đề nghị NATO lập vùng cấm bay tại nước này với lí do để ngăn cản không quân Nga tấn công. Tuy nhiên, đây là kịch bản mà NATO cũng đã loại bỏ ngay lập tức bởi lập vùng cấm bay ở Ukraine đồng nghĩa với việc máy bay NATO sẽ phải trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến, sẽ phải ngăn cản và bắn hạ máy bay Nga, tức sẽ đẩy NATO và Nga vào một cuộc chiến toàn diện có nguy cơ leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Nhưng điều nguy hiểm là hiện vẫn có một số tiếng nói diều hâu từ phương Tây ủng hộ phương án này.

Khả năng Nga và NATO đụng độ

Sau vụ việc Nga không kích mục tiêu Ukraine gần biên giới Ba Lan, có ý kiến lo ngại về khả năng đụng độ giữa Nga và NATO – có thể là ngoài chủ ý.     

Việc Nga tấn công vào căn cứ quân sự Yavoriv của Ukraine chỉ nằm cách biên giới Ba Lan hơn 10km là một thông điệp cứng rắn mà phía Nga muốn gửi đến NATO, đó là NATO cần phải tránh xa xung đột Ukraine. Căn cứ bị Nga tấn công bằng tên lửa được cho là nơi huấn luyện các binh sĩ nước ngoài muốn đến Ukraine tham chiến và trong quá khứ từng là nơi diễn ra các hoạt động quân sự chung giữa Ukraine với NATO. Bằng việc thực hiện một cuộc tấn công hết sức khốc liệt vào căn cứ này, Nga muốn chứng minh nước này sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ nếu NATO can dự sâu vào xung đột Ukraine. Ngoài ra, trong vài ngày qua Nga cũng bắt đầu tấn công nhiều hơn vào các thành phố ở miền Tây Ukraine, thay vì chỉ tập trung ở miền Đông như thời gian qua. 

Khi các hành động quân sự của Nga trong khu vực này leo thang thì đương nhiên nguy cơ xảy ra đụng độ với các lực lượng NATO cũng sẽ cao hơn, đặc biệt khi NATO hiện đang điều động thêm lực lượng đến khu vực biên giới giữa Ukraine với các thành viên NATO là Ba Lan, Romania, Slovakia hay 3 quốc gia Baltic. Hiện nay, các máy bay chiến đấu của Pháp, Đức đang tuần tra không phận khu vực này hàng ngày. Các tổ hợp phòng không Patriot của Mỹ cũng đã được triển khai tại đây.

Tuy nhiên, nguy cơ này hiện vẫn trong tầm kiểm soát bởi Nga chủ yếu tấn công các khu vực này bằng tên lửa hành trình tầm xa chứ rất ít sử dụng không quân, do đó khả năng xảy ra đụng độ với các máy bay NATO cũng ít hơn. Tất nhiên sẽ có khả năng một số tên lửa của Nga bay lạc sang đất NATO và sẽ khiến NATO phản ứng mạnh. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, NATO có lẽ cũng sẽ kiềm chế.

Bất chấp việc hai bên đang trong tình thế vô cùng căng thẳng, cả NATO và Nga đều hiểu rằng một cuộc chiến trực diện giữa hai bên sẽ là thảm hoạ cho không chỉ cho châu Âu mà còn cho toàn thế giới bởi lẽ với chiến tranh hiện đại, nguy cơ leo thang hạt nhân là rất cao và rất nhanh chóng. Nhìn chung, Nga và NATO sẽ kiềm chế tối đa nhưng nếu NATO cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine hay đặc biệt là mạo hiểm áp đặt vùng cấm bay tại Ukraine thì khi đó việc xảy ra đụng độ với Nga là rất khó tránh.

Nhìn nhận của NATO về Đông tiến

Xung đột tàn khốc tại Ukraine có lẽ là cảnh báo lớn nhất đối với tất cả những quốc gia nào muốn tìm cách phá bỏ thế trung lập giữa Nga và phương Tây. Có lẽ sau biến cố lịch sử trọng đại này, các nước như Moldavia hay Gruzia sẽ hiểu rằng họ buộc phải chấp nhận một thực tế địa chính trị không như ý muốn. Ngay cả chính quyền Ukraine trong ngày hôm qua (15/3) cũng đã phải thừa nhận thực tế này. Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyi đã tuyên bố rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO vì cánh cửa của NATO không mở ra với nước này.

Đến thời điểm này, chúng ta cũng đã thấy hậu quả khủng khiếp của các hứa hẹn từ NATO về việc luôn “mở cửa” và Đông tiến, để các quốc gia như Ukraine hay Gruzia nuôi hy vọng bao năm qua, dẫn đến các chính sách đối ngoại quá mất cân bằng, gây nên hậu quả an ninh tàn khốc cho quốc gia. Dĩ nhiên NATO sẽ không bao giờ thừa nhận những sai lầm của mình nhưng việc khối quân sự mang danh “phòng thủ” này tiến quá ồ ạt về phía Đông, áp sát biên giới Nga chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất phá vỡ cấu trúc an ninh tại châu Âu. Dù điều này cũng không thể biện minh cho toàn bộ các hành động từ phía Nga nhưng như nhiều học giả và chính trị gia phương Tây đã cảnh báo trong suốt gần 3 thập kỷ qua, việc NATO mở rộng sang phía Đông là một sai lầm. 

Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là thời điểm mà NATO đánh giá lại chính sách này. Cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt mà NATO triệu tập tuần tới tại Brussels, với sự góp mặt của Tổng thống Mỹ, Joe Biden sẽ vẫn tập trung chủ yếu vào các nỗ lực chống Nga, trợ giúp Ukraine cũng như gia tăng lực lượng cho các quốc gia NATO ở sườn Đông châu Âu. Thậm chí, NATO cũng có thể thảo luận việc kết nạp thêm các thành viên mới, là Thuỵ Điển và Phần Lan, hai quốc gia cũng gần Nga, dù không ở phía Đông. Nếu điều đó xảy ra, Nga chắc chắn sẽ lại phản ứng quyết liệt và an ninh châu Âu sẽ càng thêm bất ổn. Nhìn chung, sự đối đầu NATO-Nga sẽ còn căng thẳng và tồn tại trong một thời gian dài nữa, với rất nhiều nguy cơ bất trắc khó lường./.

VOV.VN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngoại trưởng Mỹ thông báo hỗ trợ nhân đạo thêm 186 triệu USD cho Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua (15/3) thông báo bổ sung 186 triệu USD để hỗ trợ người tị nạn Ukraine ở các nước láng giềng và những người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong nước do chiến tranh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NATO tiếp tục tính giải pháp cho xung đột Ukraine-Nga