Theo dõi trên

Nét đẹp tín ngưỡng đầu xuân của ngư dân làng chài

21/02/2024, 05:55

Lão ngư Lê Văn, tuổi đã ngoài 60 đến bàn ghi tên các bạn thuyền và đốt khoanh nén nhang cao gần nửa mét cầu an. Lúc bước ra khỏi điện thờ ông Văn chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, đúng ngày mùng 4 tết tôi và bạn thuyền đến chùa Bà cầu an, cầu siêu, mong cho mưa thuận, gió hòa ra khơi đánh bắt cá thuận lợi.

Không phải chỉ có ghe tôi mà hàng chục chủ thuyền khác ở Phú Hài và các địa phương lân cận vào những ngày đầu xuân trước khi xuất hành họ đều đến thắp nén nhang cầu nguyện cho chuyến ra khơi bình an. Chúng tôi coi Bà Thiên Hậu như vị thần luôn che chở, cứu giúp ngư dân trong lúc gặp hoạn nạn trên biển cả…”.

z5170608242843_234f22cde4a64980a29943a6d09cef40.jpg
Cổng Tam Quan chùa Bà Thiên Hậu

Về lịch sử ngôi chùa Bà Thiên Hậu có nhiều câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn truyền qua nhiều đời. Có tích thuật lại rằng: “Trước đây, cửa biển Phú Hài (Phan Thiết) là nơi hội tụ các thương gia đến giao thương buôn bán, họ luôn cầu mong cho tàu, thuyền luôn được thuận buồm xuôi gió nên chủ ghe, thuyền đều thờ Bà Thiên Hậu. Một hôm, chủ ghe đánh bắt cá bị chết máy phải neo đậu trên sông Phú Hài để sửa chữa, chủ thuyền đã di chuyển tạm tượng Bà lên bờ. Sau khi ghe sửa xong bức tượng khiêng về chỗ cũ thì bỗng hóa nặng không thể nào di chuyển được. Thấy có điềm linh người dân đã lập miếu thờ Bà Thiên Hậu tại đây vào năm 1725”.

z5170608266488_31f52f5c1dc5cc8251bed1ac0a64bc4c.jpg

                        Chính điện thờ Bà Thiên Hậu hai bên thờ các vị thần

Bên cánh cửa lớn chánh điện, tích Bà Thiên Hậu được ghi khá rõ ràng: Sinh ra ở phương Bắc, từ nhỏ Bà như một người phàm. Những sách vở xem xong Bà đều thuộc làu. Lớn lên Bà chỉ làm việc thiện cứu giúp người đời và thường xuyên nghiên cứu y lý, trị bệnh cứu người, chỉ dẫn người đời cách phòng ngừa ôn dịch. Bà rất thông hiểu khí tượng, thiên văn, thông thuộc luồng nước. Các tàu thuyền đánh cá khi gặp nạn được Bà cứu giúp… Về sau những người đi biển truyền tai nhau thấy Bà mặc áo bào đỏ “bay lượn” trên biển cả cứu giúp người gặp nạn. Vì vậy, ngư dân các làng chài ven biển đều họa hình hoặc tạc tượng Bà để thờ cúng, cầu xin phù hộ được cuộc sống bình an, làm ăn phát đạt. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp miếu thờ bị sụp đổ hoàn toàn. Mãi đến năm 1995 miếu được xây dựng lại thành ngôi chùa to lớn hơn và đến năm 2003 việc xây dựng chùa Bà Thiên Hậu mới được hoàn tất. Hàng năm vào ngày vía Bà, người dân Phú Hài nói riêng và cư dân vùng biển lân cận nói chung đều về đây tưởng nhớ công ơn của Bà. Không chỉ vậy, tiếng lành đồn xa du khách thập phương khi đến Phan Thiết nghỉ dưỡng vào dịp lễ, tết cổ truyền thường đến đây cầu an, mong những điều tốt lành trong cuộc sống. Đặc biệt là ngư dân những ngày đầu xuân trước khi xuất hành ra khơi xa đều đến chùa thắp hương cầu an và cầu siêu cho những người đã khuất.

Ngày xuân đến chùa Bà Thiên Hậu du khách không chỉ cầu an cho bản thân, gia đình, bạn bè thân thuộc mà còn được chiêm ngưỡng nét văn hóa kiến trúc đặc sắc. Ngay cổng Tam Quan được các nghệ nhân chạm trổ công phu; các nét vẽ màu son, thết vàng khiến cho ta cảm thấy linh thiêng và thành kính. Hình ảnh các tượng rồng, phượng được chạm trổ cực kỳ tinh xảo của nhiều nghệ nhân vừa tôn thêm vẻ đẹp, uy nghiêm của chùa vừa mang ý nghĩa tâm linh trong tục thờ Mẫu. Trong chùa còn lưu giữ nguyên vẹn các hiện vật Hán – Nôm qua những câu đối, bức hoành phi, tượng điêu khắc hay bia đá… tạo nên những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc.

ĐÌNH HOÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền
Bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó còn bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Nổi bật
Nhớ về tháng 4 lịch sử
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vẻ vang, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, được kết thúc bằng chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nét đẹp tín ngưỡng đầu xuân của ngư dân làng chài