Theo dõi trên

Bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền

19/02/2024, 07:45

Bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó còn bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

1222-missing-filename-file.jpg
Làm nước mắm thùng lều. Ảnh: Đ.Hòa

Giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc gắn với phát triển làng nghề

Tỉnh Bình Thuận được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống như sản xuất gạch ngói, bánh tráng, dệt thổ cẩm, gốm, chế biến hải sản, nước mắm, mây tre đan… Thực tế hiện nay cho thấy, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện phát triển kinh tế thị trường và chủ động hội nhập quốc tế, một số làng nghề truyền thống của tỉnh sản xuất các mặt hàng mà thị trường tiêu thụ còn có nhu cầu đã biết phát huy thế mạnh của mình và thích ứng với bối cảnh mới nên vẫn tiếp tục phát triển và tìm kiếm được nhiều thị trường mới. Xuất phát từ những khó khăn và thách thức của làng nghề truyền thống trong quá trình cạnh tranh với các mặt hàng công nghiệp trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, vấn đề bức thiết đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tiếp tục tồn tại và phát triển. Phải khẳng định rằng, trong những năm qua các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm tại chỗ, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Các làng nghề này còn mang giá trị văn hóa, nghệ thuật qua từng thời kỳ nên rất cần được lưu giữ và phát triển. Hiện toàn tỉnh có hơn 10.000 cơ sở ngành nghề nông thôn đang hoạt động với hơn 50.300 lao động. Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới. Đặc biệt là phát triển làng nghề gắn với các điểm du lịch nhằm giúp các làng nghề khôi phục nghề cổ truyền, phát triển các hoạt động văn hóa dân gian, xây dựng môi trường du lịch văn hóa nhằm quảng bá du lịch sản phẩm làng nghề. Hiện nay các làng nghề như làng nghề bánh tráng Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc), làng nghề bánh tráng Chợ Lầu (huyện Bắc Bình) hoạt động tương đối ổn định, sản phẩm của các làng nghề được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Làng nghề gốm gọ Bình Đức, huyện Bắc Bình có khoảng 67 hộ/150 lao động tham gia sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định cho một bộ phận bà con dân tộc Chăm và cư dân tại địa phương. Quan điểm của tỉnh là bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề không chỉ tạo nguồn thu nhập cho người dân mà còn giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, sử dụng triệt để nguồn lao động tại chỗ, đồng thời tận dụng được nguồn nguyên vật liệu sẵn có của địa phương để phục vụ sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững tại địa phương.

Phát triển làng nghề còn gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời huy động mọi nguồn lực của thành phần kinh tế để bảo tồn và phát triển làng nghề, kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống để phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

banh-trang-lang-ngh-ngo-inh-hoa-binh-thun-dsc_0267-copy.jpg
Làng nghề bánh tráng. Ảnh: Đ.Hòa

Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống bền vững

Mặc dù thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, các làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự phát triển, do máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, sản phẩm sản xuất ra chưa hấp dẫn, khó tìm được thị trường tiêu thụ mạnh. Bên cạnh đó, một số người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống, không tham gia làm nghề, dẫn đến một số làng nghề phải giải thể hoặc xin chuyển đổi công năng. Xác định bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân, chính vì thế tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu khôi phục, bảo tồn được từ 1-2 nghề truyền thống và từ 1-2 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Phấn đấu công nhận mới từ 2-3 nghề và từ 1-2 làng nghề truyền thống, phát triển từ 2-3 làng nghề gắn với du lịch. Trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả, 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản, 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu...

Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi các ngành, địa phương phải tiếp tục sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề truyền thống phù hợp với các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng và các quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo đủ mặt bằng phục vụ sản xuất, bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá, xếp loại hoạt động làng nghề gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đồng thời khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Hỗ trợ phát triển các nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới. Tập trung phát triển các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn. Bên cạnh đó đẩy mạnh hỗ trợ sáng tạo phát triển sản phẩm, hình thành các cơ sở sản xuất mới tại địa phương. Xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề, tôn tạo cảnh quan không gian làng nghề phục vụ sản xuất gắn với phát triển du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ phục hồi, tôn tạo các di tích, xây dựng các bảo tàng làng nghề, khu trình diễn, không gian trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm của nghề và làng nghề gắn với thiết kế mẫu mã, đào tạo, các hoạt động thương mại sản phẩm làng nghề. Đồng thời chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề, nâng cao chất lượng của các hiệp hội ngành hàng….

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Cảm xúc
Tôi và bạn ấy cùng nhập ngũ một ngày và cùng một đơn vị huấn luyện. Tết năm ấy (1978), chúng tôi ăn tết tại đơn vị huấn luyện tân binh. Lần đầu tiên trong đời ăn tết xa nhà, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, buồn thật là buồn.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền