Khoảng giữa năm 2007, anh Phan Chính - một cây bút lão làng trong giới nghiên cứu - viết văn - làm báo ở Bình Thuận có chuyển cho tôi tập biên khảo chọn lọc của anh, với tên gọi “Huyền thoại xứ biển - Đất phương Nam Bình Thuận” trước khi xin giấy phép xuất bản của Sở VHTT.
Trong số những khuôn mặt viết văn trẻ hiếm hoi của Bình Thuận được anh ưu ái đưa vào tập sách, tôi đã dừng lại khá lâu trước bài viết về Nguyễn Ngọc Thuần. Thật là một sự trùng hợp tình cờ mà hữu ý. Bởi vì trước đó, tôi cũng đã tìm mua và say mê đọc những tác phẩm của Thuần với một tâm thế vô cùng phấn khích. Thật vậy, đọc truyện ngắn viết cho thiếu nhi của Thuần tôi vừa ngạc nhiên, thích thú, vừa mừng rỡ. Không phải chỉ vì đây là những tác phẩm đoạt giải cao, mà trước hết là vì sự xuất hiện “một giọng điệu tài năng, mới lạ, độc đáo” ở xứ sở giàu tài nguyên hải sản, từng bị câu tục ngữ “văn chương không bằng xương cá mòi” gây nên sự ngộ nhận dai dẳng rằng, đất này không phải đất văn chương.
Sự trong sáng, dí dỏm, thông minh mà thấm đẫm chất nhân văn toát ra từ văn chương viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần đã khiến tôi phải dành thời gian đọc lại hầu hết các truyện ngắn, truyện dài mà Thuần đã công bố, kể cả những bài trả lời phỏng vấn báo chí của Thuần sau khi anh liên tiếp được giải cả trong nước và ngoài nước.
Điều tôi quý mến và trân trọng Nguyễn Ngọc Thuần là anh không “cao đàm khoát luận”, không “hùng hổ tuyên ngôn” sau mỗi lần đăng quang trên văn đàn. Anh lặng lẽ làm việc để mưu sinh một cách lương thiện; lặng lẽ đọc, lặng lẽ học và viết với ý thức không ngừng tìm tòi đổi mới trong hoạt động sáng tạo. Đúng như anh đã từng quan niệm “Văn chương là cuộc chơi phong cách rõ nét, bởi không chỉ văn chương mà ngay trong cuộc sống, cái gọi là phong cách luôn đi theo ta suốt đời”. Trên thực tế, anh đã lao tâm khổ trí để không lập lại chính mình trên từng trang viết đầy tâm huyết mà anh thường phải “đánh vật” với nó, có khi thâu đêm suốt sáng. Với bút lực hết sức dồi dào, óc quan sát vô cùng tinh tế và “trường liên tưởng” đặc biệt phong phú, tôi nghĩ Nguyễn Ngọc Thuần sẽ còn đi xa hơn nữa trên con đường văn chương đang mở ra thênh thang trước mặt.
Bằng cảm nhận riêng tư với ít nhiều chủ quan, tôi nhận thấy, đối với trường hợp của Thuần, có lẽ “viết như thế nào” mới là điều mà anh hằng day dứt, trăn trở, chứ không phải điều bận tâm của anh là đề tài, hoặc chủ đề tư tưởng. Tôi biết, có một số nhà văn thường chọn những sự kiện to tát, hoặc đụng chạm đến những vấn đề ở tầm vĩ mô để thử bút. Riêng Nguyễn Ngọc Thuần thì ngược lại, anh chỉ viết những gì mình gần gũi, thiết thân, gắn bó, chiêm nghiệm; có thể dưới mắt người khác, điều đó rất tầm thường, thậm chí vụn vặt - nhưng tất cả đều đã trở thành máu thịt, đã can dự rất sâu vào đời sống nội tâm của anh, bằng cách này hay cách khác.
Tính đến nay, Nguyễn Ngọc Thuần đã có một số đầu sách được xuất bản, tái bản như: Giăng giăng tơ nhện (2000), Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ (2000, 2008), Một thiên nằm mộng (2003), Nhện ảo (2003), Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ (2004), Cha và con và… tàu bay (2005), Chuyện tào lao (2009), Sinh ra là thế (2013), Cơ bản là buồn (2014)… Hơn một nửa trong số này là những tác phẩm được giải cao trong các cuộc thi văn chương tầm cỡ quốc gia, được giới chuyên môn - nhất là những nhà văn kỳ cựu đánh giá cao.
Tập truyện ngắn “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” của Thuần - theo tôi là một tác phẩm đặc sắc mà vô cùng dung dị. Nhà văn Phan Thị Vàng Anh đã không hề giấu giếm sự ngưỡng mộ dành cho Thuần, khi cô nhận xét: “Cái kỹ thuật tung xa để bắt gọn lại như thế này có lẽ là cái rất thiếu trong các sáng tác của nước mình. Cái lấn cấn duy nhất của tôi, có lẽ một phần vì ganh tỵ, là vì sao lại có người Việt Nam viết được theo lối này, viết được như thế này…”.
Cũng như tâm sự riêng tư của Thuần với báo Tuổi trẻ cuối tuần, khi dẫn lời của mẹ dạy anh từ thuở ấu thơ: “Đừng bao giờ cay nghiệt vì mình có cuộc sống khốn khó hoặc đem cái khốn khó đó mà dằn hắt người khác…”. Không biết Nguyễn Ngọc Thuần đã lĩnh hội lời dạy bảo trên đây như thế nào, nhưng đọc văn chương của Thuần, bao giờ tôi cũng thấy thấp thoáng hình bóng bà mẹ nghèo, lam lũ mà xiết bao thuần hậu ở cái thôn Phò Trì heo hút của xã Tân Thắng, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Tôi nhớ, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, anh có nói đại ý, viết cho thiếu nhi như thế là đủ rồi, anh sẽ không viết cho đối tượng thiếu nhi nữa. Tuy nhiên, bằng trực cảm của người đọc, tôi vẫn tin chắc chắn rằng khi nhắc đến cái tên Nguyễn Ngọc Thuần thì ngay lập tức độc giả sẽ nhớ đến những tác phẩm đặc sắc viết cho thiếu nhi như: Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ, Giăng giăng tơ nhện và Một thiên nằm mộng…