Theo dõi trên

Nét lấp lánh của sự dốc sức

25/07/2022, 05:40

Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ này, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều gương thương binh, dù không lành lặn vẫn vẹn nguyên tinh thần tự lực, tự cường; những doanh nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh đóng góp kinh phí miệt mài cho các quỹ hỗ trợ người có công hết năm này qua năm khác...

Vòng kết nối tri ân

Những tập thể làm công tác Thương binh – Liệt sĩ đã nỗ lực giải quyết các chế độ chính sách không chỉ vì nhiệm vụ mà còn vì một lòng muốn góp sức có thể để chăm sóc người có công. Có 15 cá nhân và 14 tập thể có thành tích tiêu biểu như thế trong phong trào Đền ơn đáp nghĩa của 5 năm qua (2017 - 2022) được UBND tỉnh khen tặng. Báo Bình Thuận nêu một số cá nhân, tập thể nổi bật.

1. Toàn huyện Hàm Thuận Bắc hiện có 17.645 lượt được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng gần 400 tỷ đồng; trợ cấp 1 lần cho 10.038 đối tượng với tổng kinh phí 26 tỷ đồng; mua bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân người có công gần 15,5 tỷ đồng; trợ cấp ưu đãi cho học sinh, sinh viên là con của người có công hưởng chính sách ưu đãi trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên 2,4 tỷ đồng. Với các chế độ, chính sách, Hàm Thuận Bắc đã giải quyết đầy đủ, kịp thời và đúng quy định như thế.

Điều đáng chú ý là sự huy động lực lượng tham gia vào công tác chăm sóc người có công ở đây rất bài bản, tạo sự lan tỏa và mang lại hiệu quả rộng. Nhờ đó, huyện có thể xây, sửa nhà ở cho 379 gia đình người có công đang gặp khó khăn. Đồng thời có 44/44 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được 24 cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời; 80 gia đình liệt sĩ neo đơn, khó khăn cũng được các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện nhận đỡ đầu; hàng chục sổ tiết kiệm, tiền hỗ trợ của mạnh thường quân dành cho thương bệnh binh, gia đình chính sách. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động quan tâm ấm lòng với người đã có công với đất nước như chăm sóc bia, đài tưởng niệm và hơn 3.200 mộ liệt sĩ chưa biết tên tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; xây, sửa chữa 8 đài tưởng niệm, bia ghi danh liệt sĩ ở xã, thị trấn; nỗ lực tìm kiếm, quy tập được 16 mộ liệt sĩ… Thành quả lớn ấy thuộc về tập thể nhân dân và cán bộ huyện Hàm Thuận Bắc.

dsc_7158.jpg
ĐVTN thắp hương trên các phần mộ liệt sĩ.

2. Như gửi lời tri ân thầm lặng, trong 5 năm qua, tập thể Phòng Người có công của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu theo quy định giúp bao người có công với cách mạng được ghi nhận, tôn vinh qua hưởng chế độ chính sách. Cụ thể, phòng đã tham mưu ban hành hơn 1.200 quyết định trợ cấp các loại; đã góp phần kết nối để gần 200 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, con liệt sĩ. Tương tự, là hàng loạt những công việc, hoạt động khác có liên quan mà nhờ sự linh hoạt, sâu sát, kịp thời của tập thể Phòng Người có công đã góp phần tạo sự công bằng, sự hài lòng cho người có công. Đó là hàng năm, phòng tham mưu lãnh đạo sở trình UBND tỉnh xuất chi ngân sách từ 10 - 15 tỷ đồng để trợ cấp cho các thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; đã tổ chức đưa trên 15.000 lượt người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đi điều dưỡng tập trung và ra quyết định chi điều dưỡng tại gia đình với kinh phí hơn 10 tỷ đồng; tổ chức cho gần 800 người có công với cách mạng đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đi tham quan miền Bắc, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, phòng cũng đã tham mưu kế hoạch và giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa được 65 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này cùng với ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 3.773 căn nhà cho người có công đang gặp khó khăn về nhà ở; tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ; thăm hỏi, hỗ trợ người có công hoặc thân nhân khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp khó khăn... Không chỉ thế, phòng còn phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp nhận, tổ chức truy điệu và an táng 99 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ; hoàn thành nâng cấp 8.950 mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh…

Tất cả đã tạo ra vòng kết nối tri ân rất rộng, theo thời gian.

HẢO CHI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022): Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình thương binh, liệt sĩ
Ngày Thương binh - Liệt sĩ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc đó là, thể hiện sự tiếp nối truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, thể hiện sự biết ơn, trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nét lấp lánh của sự dốc sức