Theo dõi trên

Nga dùng quyền phủ quyết ngăn Liên Hợp Quốc giám sát trừng phạt Triều Tiên

29/03/2024, 14:35

Nga dùng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ngăn việc gia hạn hoạt động giám sát các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong cuộc họp hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên với 13 phiếu thuận, Nga phản đối và Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Với một phiếu phủ quyết của Nga, nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc tại Triều Tiên sẽ ngừng nhiệm vụ giám sát vào cuối tháng 4.

Hành động này của Nga gây bất ngờ cho các quốc gia thành viên khác. Suốt 14 năm qua, Nga chưa bao giờ ngăn nhóm gia Liên Hợp Quốc thực hiện hoạt động giám sát các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên; thậm chí còn nhiều lần phản đối Bình Nhưỡng mở rộng chương trình hạt nhân.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã lên tiếng bảo vệ Triều Tiên trước hội đồng, cho rằng các quốc gia phương Tây đang cố gắng “bóp nghẹt” Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt “không còn phù hợp” và “xa rời thực tế”. Ông Nebenzia cũng cáo buộc hội đồng chuyên gia đang bị “dắt mũi” bởi truyền thông phương Tây trong vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên “nên không còn có khả năng đưa ra những đánh giá đúng đắn về các lệnh trừng phạt”.

unsc-scaled-1.jpg

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp tại trụ sở Liên hợp quốc. Ảnh: Getty.

Việc Nga thay đổi quan điểm khiến sự rạn nứt trong quan hệ giữa Moscow với Washington và phương Tây càng thêm sâu sắc. Các đồng minh phương Tây của Mỹ cho rằng mục đích của hành động phủ quyết lần này của Nga là do nước này có ý định mua vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên để phục vụ cho hoạt động tại Ukraine, gây khó khăn cho việc đạt được sự đồng thuận quốc tế trong vấn đề hạt nhân.

Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood cho rằng quyền phủ quyết của Nga sẽ khuyến khích Triều Tiên tiếp tục gây nguy hiểm cho an ninh toàn cầu thông qua việc phát triển “tên lửa đạn đạo tầm xa và các nỗ lực trốn tránh lệnh trừng phạt”.

Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Barbara Woodward cũng đưa ra cảnh báo về sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên và Nga, đặc biệt khi Triều Tiên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Hội đồng Bảo an đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006 và thắt chặt các biện pháp trừng phạt này trong nhiều năm sau đó nhằm hạn chế các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này. Hội đồng Bảo an cũng thành lập một ủy ban giám sát các biện pháp trừng phạt và ủy quyền cho nhóm chuyên gia điều tra các vi phạm của Triều Tiên.

Trong báo cáo mới nhất được công bố vào tháng trước, nhóm chuyên gia cho biết họ đang điều tra 58 vụ tấn công mạng nghi ngờ có liên quan đến Triều Tiên từ năm 2017 đến năm 2023; gây thất thoát 3 tỷ USD. Số tiền này được cho là đang được sử dụng vào việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Các chuyên gia cũng cho biết Triều Tiên đã lờ đi các lệnh trừng phạt; tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và sản xuất vật liệu phân hạch hạt nhân - thành phần chính để sản xuất vũ khí.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Campuchia - Trung Quốc nhất trí tăng cường hợp tác về quân sự
Tân Hoa Xã hôm qua đưa tin về việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã gặp Phó Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia và Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia vào hôm qua tại Bắc Kinh.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga dùng quyền phủ quyết ngăn Liên Hợp Quốc giám sát trừng phạt Triều Tiên