Ngày 27/07, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã thăm Ethiopia và là điểm dừng chân cuối trong chuyến công du Châu phi rộng lớn của ông. Trước đó ông đã thăm Ai Cập, Công-gô và Uganda. Thông qua chuyến đi này, Nga và các nước Châu phi khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác, trên cơ sở của các mối quan hệ hữu nghị truyền thống, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi.
Ethiopia là một đồng minh và đối tác quan trọng của Moskva. Đây là nền kinh tế lớn nhất ở Đông Phi và là một thị trường đầy hứa hẹn. Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Ethiopia Demeke Mekonnen.
Hai nhà lãnh đạo quan tâm đến các vấn đề an ninh, hợp tác quân sự-kỹ thuật, cũng như hợp tác lương thực. Ngoại trưởng Lavrov một lần nữa đảm bảo rằng, Nga sẽ không thay đổi các nghĩa vụ cung cấp lương thực cho các nước châu Phi, bất chấp các lệnh trừng phạt của châu Âu. Ông tin tưởng rằng, chính sách như vậy chỉ làm xói mòn nền tảng của an ninh lương thực và năng lượng thế giới.
Trong tình hình như vậy, Moskva đặc biệt đánh giá cao vị thế của các nước Mỹ Latinh và châu Phi, nơi những nỗ lực gây áp lực toàn cầu lên Nga không nhận được sự thấu hiểu. Bộ trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng, “đại đa số các quốc gia không muốn quay trở lại thời thuộc địa, họ muốn độc lập, đi theo con đường riêng của mình và dựa vào những người bạn cũ. Rốt cuộc, ngoại trừ hai hoặc ba quốc gia đang phát triển, không ai khác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh tham gia vào lệnh trừng phạt bất hợp pháp của Mỹ và châu Âu ”.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Ethiopia Demeke Mekonnen nói rằng "Nga đã hỗ trợ quốc gia châu Phi trong hàng trăm năm qua" và đang phát triển hợp tác trong không gian, y học và công nghệ hạt nhân. Theo ông, “chuyến thăm của đồng nghiệp Nga rất đúng lúc.” Họ đã có những cuộc nói chuyện rất hiệu quả, thảo luận về các vấn đề quốc gia, khu vực và toàn cầu, nêu ra cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay và các vấn đề liên quan để cùng nhau giải quyết.
Trước đó, trong cuộc gặp với Bộ trưởng ngoại giao Nga, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni nhắc lại rằng, Nga đã ủng hộ phong trào chống thực dân hơn 100 năm và nhấn mạnh rằng Kampala sẽ không khuất phục trước sức ép từ bên ngoài và có quan điểm chống Nga. Nhà lãnh đạo Uganda nêu rõ quan điểm rằng, ông không thân phương Tây, cũng không thân phương Đông, ông vì mình.
Giáo sư tại Trường Kinh tế Cao cấp và là người chuyên về châu Phi Irina Filatova cho biết, các nước châu Phi hoàn toàn trung lập hoặc ủng hộ Nga trong cuộc đối đầu với phương Tây hiện nay. Theo bà, thái độ của các nước châu Phi đối với Nga khác với châu Âu và Mỹ, phần lớn là do ghi nhớ sự giúp đỡ của Liên Xô đối với khu vực này. Tuy nhiên, các nước này đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa sự ủng hộ của Nga và phương Tây, vì thương mại với cả hai bên đều có lợi cho họ và họ không sẵn sàng để mất nó.
Cán bộ hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Nga-châu Phi và Chính sách Đối ngoại của Viện Nghiên cứu Châu Phi thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cựu Đại sứ Nga tại Mali Yevgeny Korendyasov cho rằng, “người châu Phi ngày càng có nhiều cơ hội theo đuổi chính sách độc lập của riêng mình. Và người châu Phi hiện có cơ hội - vật chất, tài chính, nhân sự và những cơ hội khác - để hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.”
Theo chuyên gia, Nga, do những hạn chế của nền kinh tế, khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc hoặc Mỹ trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính lớn cho các nước châu Phi hoặc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở lục địa này. Tuy nhiên, Moskva có một loạt các giải pháp thương mại và công nghệ tiên tiến đã được kiểm nghiệm theo thời gian và có thể thúc đẩy thành công ở châu Phi cận Sahara, mà không chỉ ở Bắc Phi (gồm Ai Cập, Algeria và Maroc là những đối tác thương mại lớn nhất ở châu Phi, hơn 70% hàng xuất khẩu của Nga sang các nước trong khu vực).
Điều này đặc biệt đúng đối với những lĩnh vực mà Nga có lợi thế đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh trong việc tạo ra và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng, chuyển đổi kỹ thuật số, đưa công nghệ cao vào sản xuất, cùng phát triển công nghệ hạt nhân hòa bình, phóng vệ tinh, v.v. Một số tiến bộ đã đạt được trong hợp tác song phương. Các dự án của Rosatom và các công ty con đang được thực hiện ở các mức độ khác nhau ở Nam Phi, Namibia, Sudan, Nigeria, Tanzania và Ethiopia. Cũng có thể mong đợi rằng sự hiện diện của Rosatom ở Zimbabwe sẽ sớm lên một tầm cao mới. Rosatom cũng vừa ký một hợp đồng để tạo ra nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ai Cập - Ed Dabaa.
Theo các chuyên gia, Nga có cơ hội nhập khẩu kim loại đất hiếm thuộc nhóm bạch kim từ các nước châu Phi, vốn cần thiết cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. 90% bạch kim gia nhập thị trường thế giới, hơn một nửa kim cương, khoảng 50% crôm và titan được khai thác ở châu Phi. Các nước châu Phi chắc chắn quan tâm đến việc tiếp tục và tạo ra các dự án chung mới để khai thác tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, tương ứng với việc xuất khẩu ngũ cốc, một cơ hội lớn mở ra cho Nga để nhập khẩu trái cây, cà phê, các loại hạt từ châu phi.
Có thể tin rằng, quan hệ Nga-Châu phi đã bước sang trang mới. Phía trước là chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai, vào năm 2023./.