Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-1, khi được hỏi liệu Nga sẽ thay thế Dòng chảy phương Bắc 2 sang châu Âu bằng đường ống Sức mạnh Siberia 2 hay không, Bộ trưởng Novak trả lời: “Đúng vậy”.
Ông Novak cho biết, Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký các thỏa thuận về việc cung cấp “50 tỷ m3 khí đốt” mỗi năm qua đường ống Sức mạnh Siberia 2 trong tương lai.
Khối lượng khí đốt trên gần tương đương sức chứa tối đa 55 tỷ m3 mỗi năm của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Đường ống này đã ngừng hoạt động vô thời hạn từ ngày 2/9. Khoảng 1/3 lượng khí đốt Nga cung cấp cho EU được chuyển qua Dòng chảy phương Bắc 1, dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic.
Đường ống Sức mạnh Siberia 2 dự kiến có một phần đi qua Mông Cổ. Việc xây dựng đường ống này sẽ bắt đầu vào năm 2024.
Bộ trưởng Năng lượng Nga cho biết, xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU “sẽ giảm khoảng 50 tỷ m3” vào năm 2022. Theo ông Novak, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom, nhà vận hành đường ống Sức mạnh Siberia 1 liên kết mỏ khí Chaiandina đến vùng Đông Bắc Trung Quốc từ cuối năm 2019, sẽ “tăng lưu lượng vận chuyển lên 20 tỷ m3 khí đốt mỗi năm”. Việc kết nối mỏ khí Kovytka, gần hồ Baikal, với đường ống vào đầu năm 2023 sẽ giúp đạt được mức tăng này.
Đến năm 2025, khi đạt công suất tối đa, đường ống sẽ vận chuyển 61 tỷ m3 mỗi năm, lớn hơn Dòng chảy phương Bắc 1, trong đó 38 tỷ m3 sẽ đến Trung Quốc theo hợp đồng ký năm 2024 giữa Gazprom và đối tác CNPC của Trung Quốc.
Hai bên cũng đã ký các thỏa thuận xây dựng một tuyến đường vận chuyển mới từ Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga đến miền Bắc Trung Quốc, tăng lượng khí đốt vận chuyển sang nước này thêm 10 tỷ m3 mỗi năm.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230km, trị giá 11,6 tỷ USD. Khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức, lên đến 110 tỷ m3/năm. Đường ống này đã hoàn thành vào tháng 9/2021, nhưng do cuộc chiến tại Ukraine, Đức đã quyết định dừng quá trình phê duyệt dự án từ hồi cuối tháng 2./.