Theo dõi trên

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận nói gì về đầu tư tiền ảo?

26/05/2021, 10:00

BT- “Các loại tiền ảo và hình thức tương tự không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, trường hợp xảy ra tranh chấp, người đầu tư sẽ không có cơ sở pháp lý để được bảo vệ quyền”, ông Phạm Văn Trịnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Thuận khẳng định.

Tác hại từ tiền ảo

Thời gian qua báo chí cả nước cảnh báo nhiều vấn đề liên quan đầu tư vào các mô hình đa cấp ảo Lion Group, BWGroup... nhưng nhiều người dân vẫn tham gia. Ở Bình Thuận cũng đã có mô hình này và không ít người tham gia. Cụ thể, gần đây nhiều người đầu tư đã làm đơn tố cáo đến công an về mô hình đa cấp ảo BWGroup. Vụ việc đang được công an điều tra làm rõ, nhưng hiện tại mâu thuẫn trong một số gia đình nảy sinh khi không thể can ngăn người thân đầu tư. Chị Ng. T. Q – phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết nói về một đứa em tham gia một mô hình đa cấp ảo: “Bây giờ nó như một con thiêu thân, nói nó chẳng nghe. Dụ được nhiều người vào chơi thì nó được thăng hạng và hưởng tiền phần trăm cao. Khi không dụ được thì về lôi kéo người trong gia đình...”.

Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam (ảnh Internet).

Hình thức hoạt động của mô hình đa cấp ảo thường như nhau, chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội để nhiều người biết và tham gia. Nội dung chia sẻ về con đường làm giàu nhanh, nghĩa là “ngồi chơi xơi nước” cũng giàu, bằng cách đầu tư nhỏ, nhưng hưởng lợi nhuận khủng. Vì vậy đã “thôi miên” nhiều người ảo mộng làm giàu và họ lại tiếp tục rủ rê bạn bè, người thân tham gia đầu tư.

Ngân hàng nhà nước nói gì?

Trước những vụ việc và bức xúc trong nhân dân, chúng tôi liên hệ với Ngân hàng nhà nước chi nhánh Bình Thuận trao đổi làm rõ vấn đề để người dân cảnh giác. Theo đó, ông Phạm Văn Trịnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Thuận cho biết: “Hiện nay, trên thị trường xuất hiện hoạt động giao dịch đồng tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp. Trong hoạt động này, người đầu tư bỏ một khoản tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo, sau đó phải tuyển dụng người đầu tư mới đặt ở tuyến dưới của mình để được hưởng các khoản hoa hồng, tiền thưởng. Một khi người đầu tư đã nộp tiền để tham gia hệ thống và sở hữu đồng tiền ảo thì thông thường sẽ rất khó để rút tiền ra khỏi hệ thống (hoặc mỗi ngày chỉ được rút một lượng tiền rất nhỏ trên tổng số tiền đầu tư vào hệ thống). Các hoạt động mua bán tiền ảo thường được thực hiện và giao dịch trên trang tin điện tử với máy chủ đặt tại nước ngoài. Việc tham gia hoạt động kinh doanh này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thứ nhất, cá nhân, tổ chức là chủ của hệ thống có thể dễ dàng sử dụng, chiếm đoạt các nguồn tài chính của nhà đầu tư mà không có bất cứ sự ràng buộc nào giữa 2 bên. Thứ hai, cá nhân, tổ chức là chủ của hệ thống có thể đánh sập hệ thống, xóa các dữ liệu về người đầu tư và biến mất bất cứ lúc nào”.

Ông Trịnh cũng nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước không có chức năng quản lý về tiền ảo. Tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Pháp luật nước ta cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ dưới mọi hình thức. Vì vậy, tất cả các tổ chức, cá nhân sử dụng mô hình kinh doanh tiền ảo theo phương thức đa cấp như thời gian vừa qua tại Phan Thiết là vi phạm pháp luật”. Ông cho biết thêm: “Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo. Đề nghị người dân phát hiện nên báo ngay cho Sở Công Thương, cơ quan công an tại địa phương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật”.

Theo khoản 4, điều 290 của Bộ luật Hình sự quy định mức phạt cao nhất đối với hình thức kinh doanh đa cấp là phạt tù từ 12 - 20 năm đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên; số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên”. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm hành nghề...”.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận nói gì về đầu tư tiền ảo?