Theo dõi trên

Ngân hàng tìm khách hàng

23/11/2023, 05:05

Hiện nay nhiều ngân hàng phải đi tìm khách hàng để cho vay. Động thái “quay xe” 360 độ này đang diễn ra trong thời điểm các ngân hàng đang tồn vốn trong khi những khách hàng cũ đã lấp đầy khoản vay.

Hiếm... khách hàng “sạch”

Qua rồi thời điểm khách hàng phải “năn nỉ” ngân hàng giải ngân như trong năm 2022. Lúc ấy, nhiều người trả nợ ngân hàng xong mong được vay lại, mặc dù lịch sử vay rất tốt nhưng cũng bị ngân hàng... “ngó lơ” bởi hết room tín dụng. Còn với khách hàng mới thì càng khó vay hơn, thậm chí không được vay. Ngược lại, hiện nay nhiều ngân hàng phải đi tìm khách hàng để cho vay. Động thái “quay xe” 360 độ này đang diễn ra trong thời điểm các ngân hàng đang tồn vốn trong khi những khách hàng cũ đã lấp đầy khoản vay. Còn với khách hàng mới thì không được nhiều nên mới có chuyện nguồn vốn “cung” nhiều hơn “cầu”. Lãi suất cho vay hạ, ngân hàng “xuống nước” đi tìm khách hàng nhưng nguồn khách vay vốn vẫn hạn chế.

dsc_3399.jpg
Ảnh: Đ.Hòa

Anh P. - cán bộ tín dụng của một chi nhánh ngân hàng V. tâm sự: Các chi nhánh ngân hàng ở Bình Thuận đang có cuộc cạnh tranh tìm khách hàng “sạch” để giải ngân nhưng do 3 năm trở lại đây, tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều khách hàng từ cá nhân đến doanh nghiệp đều “dính” nợ xấu, rất khó để cho vay theo yêu cầu của khách hàng...

Tôi vừa điện thoại cho Quang – Trưởng bộ phận khách hàng cá nhân của chi nhánh ngân hàng S. giới thiệu có khách hàng cần vay 4 tỷ đồng để mở rộng kinh doanh phân bón. Quang hỏi sơ lược về tình hình vay vốn trước đây của khách, sau đó kiểm tra lịch sử vay vốn trên hệ thống. Chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau, Quang gọi điện thông báo “Anh để dành khách hàng này cho em nhé, nói khách hàng gửi hồ sơ qua Zalo bên em để bên em sẽ chủ động liên lạc, khách hàng không cần đến chi nhánh. Chỉ cần dành thời gian cho bên em đến thẩm định tài sản trong 1 tiếng đồng hồ là được. Chi nhánh bên em sẽ giải ngân nhanh cho khách hàng”... Tôi hơi ngạc nhiên bởi chỉ đầu năm 2023 khách hàng cần vay vốn phải qua nhiều quy trình chặt chẽ, phải vài 3 lần đến ngân hàng chờ chực làm hồ sơ nhưng nay sao quá nhanh? Như hiểu được sự nghi ngờ của tôi nên Quang trả lời trước khi tôi kịp hỏi. “Khách hàng “sạch” về lịch sử tín dụng giờ ngân hàng nào cũng cần, nhất là khách hàng cần khoản vay lớn và có các điều kiện đáp ứng được khoản vay và khoản trả lãi, trả nợ thì còn... quý hơn vàng. Vì vậy nên bên em sẽ không để tuột mất khách hàng như anh vừa giới thiệu...

Nợ xấu tăng

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận cho hay, ước đến 30/11/2023, vốn huy động đạt 56.698 tỷ đồng, tăng 7,5% so đầu năm. Tổng dư nợ đạt là 84.262 tỷ đồng, tăng 5,5% so cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 5,41%) Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND đạt 82.239 tỷ đồng, chiếm 98,3% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 52.252 tỷ đồng, chiếm 62,45% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: Lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm khoảng 2,57% tổng dư nợ, lãi suất từ 6-7%/năm chiếm khoảng 2,43% tổng dư nợ, lãi suất trong khoảng 7-9%/năm chiếm 25,41% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm khoảng 49,82% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 19,77% tổng dư nợ. Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 47.236,8 tỷ đồng, chiếm 56,45% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt 270 tỷ đồng, chiếm 0,32% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 711,6 tỷ đồng, chiếm 0,85% tổng dư nợ; dư nợ cho vay DNNVV đạt 15.129,8 tỷ đồng, chiếm 18,1% tổng dư nợ. Ông Phạm Văn Trịnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận, cho biết: Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của khách hàng vay. Hạn chế, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh mới, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Hiện nay nợ xấu nội bảng trên địa bàn là 2.068,7 tỷ đồng, chiếm 2,47% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,28% so đầu năm.

Tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2023 được các nhà chuyên môn đánh giá là có khởi sắc so với năm rồi. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang còn nhiều khó khăn, trong đó có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là mảng bất động sản vẫn còn “đóng băng” khiến doanh nghiệp và người dân chưa tháo được “vốn” để đầu tư vào các lĩnh vực khác. Hy vọng trong thời gian tới, bức tranh kinh tế sáng hơn và cả ngân hàng và khách hàng đều hạn chế được nợ xấu…

                                                        

TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kiến nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ để phòng chống tội phạm
Chiều 21/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã tham gia góp ý báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng tìm khách hàng