Theo dõi trên

Phát động phong trào toàn dân cung cấp các thông tin, hình ảnh vi phạm về trật tự an toàn giao thông

21/11/2023, 15:52

BTO-Công an tỉnh là đầu mối thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin kiến nghị, phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Sau khi tiếp nhận thông tin kiến nghị, phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm, Công an tỉnh có trách nhiệm thực hiện đúng trình tự xác minh phát hiện vi phạm hành chính theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng vừa ban hành kế hoạch Phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông để xử lý theo quy định của pháp luật. Kế hoạch nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành về pháp luật giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của Nhân dân; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong Nhân dân. Phấn đấu mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”, một “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

345191920_1430019124405066_7076699531261819961_n.jpg
Việc người dân chủ động cung cấp thông tin các hành vi vi phạm sẽ giúp hạn chế các vụ tai nạn giao thông

Để việc thực hiện kế hoạch đạt kết quả cao, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông tin phản ánh của Nhân dân về vi phạm trật tự, an toàn giao thông phải bảo đảm khách quan, chính xác. Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh phải bảo đảm tính kịp thời, đúng hành vi vi phạm, đúng quy định pháp luật và được tổ chức tuyên truyền rộng rãi, tạo hiệu ứng răn đe, phòng ngừa xã hội; qua đó, vận động Nhân dân ủng hộ, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh từ phía người dân phải bảo đảm an toàn, bí mật về danh tính của người cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực hoặc làm ảnh hưởng xấu đến tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.

Các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến địa bàn cơ sở gắn với vận động đông đảo quần chúng Nhân dân trong quá trình tham gia giao thông chủ động phát hiện, ghi nhận, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các hành vi vi phạm cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Trong đó tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về phương pháp nhận biết các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, là tác nhân gây hư hại hạ tầng giao thông... Vận động quần chúng nhân dân trên cơ sở nhận diện các hành vi vi phạm, chủ động, tích cực cung cấp các thông tin, tài liệu phản ánh hành vi vi phạm: Xe ô tô khách chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; đi vào đường cấm, đi ngược chiều; vượt đèn đỏ; dừng, đỗ không đúng nơi quy định; đi vào làn dừng phương tiện khẩn cấp của đường cao tốc; điều khiển xe lạng lách, đánh võng gây mất trật tự an toàn giao thông, an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Khi phát hiện các hành vi vi phạm giao thông người dân sử dụng phương tiện kỹ thuật, thiết bị thông minh của cá nhân như máy ảnh, camera, điện thoại, camera hành trình... quay video clip, chụp ảnh về hành vi vi phạm. Khi phản ánh thông tin, người dân cần cung cấp thêm các thông tin như: Thời gian phát hiện, tuyến đường, địa điểm xảy ra vi phạm, biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện, chủ xe, người điều khiển phương tiện (nếu xác định được) và các thông tin khác có liên quan theo tính chất của từng vụ việc, hành vi cụ thể. Sau khi ghi nhận được đầy đủ thông tin về hành vi vi phạm, người dân liên hệ, phản ánh trực tiếp với Công an tỉnh qua SĐT của Phòng Cảnh sát giao thông: 0693.428.121 và tài khoản Zalo “Phòng CSGT Bình Thuận”...

img_3071-1-.jpg
Lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát ý thức chấp hành trật tự an toàn giao thông

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý ban hành kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông” đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông”...

NGUYỄN LUÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nguy cơ tai nạn giao thông ở nhóm trẻ gia tăng
Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến học sinh cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh độ tuổi dưới 18 tuổi (chiếm 8,96% số vụ tai nạn giao thông toàn quốc).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát động phong trào toàn dân cung cấp các thông tin, hình ảnh vi phạm về trật tự an toàn giao thông