Trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện hoặc đang đi bộ bị tai nạn, làm chết 378 người, bị thương 658 người. Điều này cũng đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để tham gia giao thông an toàn.
Nhiều học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện đi quá nhanh, chủ quan coi loại phương tiện này không khác gì xe đạp thông thường, dẫn đến không thể xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra. Nguy hiểm hơn, loại phương tiện này không có tiếng động nên khi vượt lên, phương tiện lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh, nhất vào buổi đêm… dễ dẫn đến xảy ra va chạm tại các ngã ba, ngã tư, ngõ, ngách, nơi khuất tầm nhìn. Bên cạnh đó, hầu hết các loại xe đạp điện không gắn gương chiếu hậu, còi, đèn xi-nhan yếu nên khi chuyển hướng cũng có thể xảy ra tai nạn nếu người tham gia giao thông thiếu cảnh giác. Xe máy điện được trang bị các thiết bị an toàn tốt hơn xe đạp điện, có vận tốc tối đa từ 25 km/h đến dưới 50 km/h. Tuy nhiên, độ ma sát của bánh xe với mặt đường kém nên rất dễ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao.
Không khó để bắt gặp học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chạy xe lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường, điều khiển xe đạp điện, xe máy điện đi ngược chiều, đeo tai nghe... Gặp những tình huống như vậy, nếu không quan sát và xử lý kịp thời thì có thể xảy ra tai nạn giao thông bất cứ khi nào.
Thực tế, không thể phủ nhận những lợi ích về kinh tế cũng như việc bảo vệ môi trường từ phương tiện xe đạp điện và xe máy điện. Tuy nhiên, gia đình và nhà trường cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn con em chấp hành tốt các quy định khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện, trang bị đầy đủ cho các em những kiến thức liên quan và cách sử dụng xe hiệu quả, an toàn, hạn chế thấp nhất những nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân và cộng đồng.
Luật Giao thông đường bộ quy định xe đạp điện là phương tiện giao thông thô sơ. Do đó, tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện an toàn kỹ thuật cũng như công tác quản lý đối với xe đạp điện và người điều khiển xe đạp điện… không bị điều chỉnh chặt chẽ như đối với phương tiện giao thông cơ giới. Cụ thể, xe đạp điện không phải đăng ký, cấp biển số, người điều khiển không bắt buộc phải có giấy phép lái xe… Trong khi thực tế, xe đạp điện là phương tiện có gắn động cơ, lưu thông với tốc độ khá nhanh.
Gắn trách nhiệm của gia đình cùng với nhà trường trong tuyên truyền, giáo dục học sinh tham gia giao thông đúng quy định của pháp luật. Về phía gia đình, các bậc phụ huynh không nên chủ quan cho con em mình sử dụng xe đạp điện khi còn quá nhỏ tuổi. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc hướng dẫn, trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ ý thức của mỗi người tham gia giao thông. Thực tế cho thấy, tai nạn giao thông liên quan xe đạp điện, xe máy điện hoàn toàn có thể kiểm soát, phòng tránh được nếu người tham gia giao thông, nhất là các em học sinh tự nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm túc quy định về tốc độ, đội mũ bảo hiểm và quy tắc giao thông.