Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đánh giá cao Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm. Trong đó ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, khắc phục sơ hở, thiếu sót, trong đó có lĩnh vực an ninh trật tự.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ Công an là nòng cốt tiếp tục chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới và trong nước. Triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật nhằm giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả tổng số vụ án được phát hiện tăng so với cùng kỳ, một số loại tội phạm được kiềm chế và kéo giảm như: số vụ phạm tội có tổ chức giảm 63,96%; số vụ tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép giảm 8,99%. Về tình hình an toàn giao thông số vụ tai nạn giảm 0,93%, số người chết giảm 0,53%.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản. Số liệu đã thể hiện cụ thể tại báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Trong đó ma túy là vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm nhất.
Nguồn gốc của các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, bắt nguồn từ ma túy theo thống kê là trên 75%. Tuy nhiên, theo báo cáo thì số vụ tội phạm ma túy phát hiện tăng 17,68%, số ma túy tổng hợp dạng tinh thể hay còn gọi là ma túy tổng hợp bị thu giữ tăng đặc biệt cao (1.161,1%). Điều này cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy, nhất là ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dịch vụ lưu trú... diễn ra ở nhiều địa phương. Xuất hiện một số loại ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm... gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh, thiếu niên, và đã len lỏi vào trường học.
Theo Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, gia đình có người nghiện ma túy là khổ cả gia đình và cộng đồng dân cư. Vấn đề cai nghiện ma túy hiện nay theo đại biểu còn nhiều bất cập và chậm được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, nhất là quy trình, cách thức đưa người đi cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại cộng đồng và phác đồ cai nghiện. Một thực tế là tỷ lệ người tái nghiện rất cao, lên đến 90 - 95%, nguyên nhân xuất phát từ đâu, đề nghị Chính phủ đánh giá và đề ra những giải pháp căn cơ để giải quyết.
"Qua tiếp xúc cử tri, cử tri đề nghị Chính phủ cần xem xét xử lý nghiêm tội phạm ma túy và cách thức, nhìn nhận đúng hơn về người nghiện ma tuý, nhất là hiện nay người nghiện ma túy được coi là người bệnh. Hình ảnh người nghiện ma túy cai nghiện tại cộng đồng cởi trần đem dao ra trước cửa nhà mài làm cho cả xóm và người đi đường rất hoang mang. Hay các đối tượng ngáo đá, loạn thần không phải cá biệt nhưng các cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý, xử phạt. Nguồn gốc tội phạm hình sự phần lớn xuất phát từ ma túy, hay tỷ lệ tái nghiện lên tới 90 - 95% là những con số đáng để chúng ta quan tâm suy ngẫm và có cách ứng xử tương xứng. Tránh tình trạng chỉ tập trung xử lý cái ngọn, khắc phục hậu quả - trong khi đây là nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm và có những hậu quả rất đáng tiếc, thương tâm, thậm chí có những hậu quả chúng ta không thể khắc phục được…", Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu băn khoăn.