Tại điểm cầu UBND tỉnh Bình Thuận có đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong và đại diện một số sở, ngành liên quan.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2021, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt mục tiêu 42 tỷ USD Chính phủ đưa ra; tổng sản lượng lương thực đạt gần 44 triệu tấn. Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%. Trong giai đoạn tới, định hướng ngành nông nghiệp chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị và phát triển xanh…
Riêng tại Bình Thuận, năm 2021 ngành nông nghiệp và PTNT thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện có nhiều khó khăn, bất lợi. Nhưng toàn ngành thực hiện đạt và vượt 5/5 chỉ tiêu chủ yếu được UBND tỉnh giao. Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản 4,78%, so với kế hoạch 2,85%; tỷ lệ che phủ rừng 43%… Sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định, diện tích gieo trồng cây ngắn ngày, cây lâu năm, sản lượng lương thực và đàn gia súc, gia cầm tăng so với năm 2020. Các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xã hội hóa giống lúa, dự tính dự báo và ngăn ngừa dịch bệnh được chú trọng triển khai.
Năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu “kép”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp. Tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng. Triển khai nhanh, có hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trong điều kiện năm 2021 nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ. Ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ cũng nêu những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Đó là ngành vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, vẫn còn thụ động, phụ thuộc thị trường, thời tiết và nhiều yếu tố khác. Ngoài ra, công nghệ sau thu hoạch chưa thực sự được chú trọng. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc một số thị trường…Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp cần nỗ lực, sáng tạo đổi mới và tập trung chọn vấn đề, cân đối nguồn lực, thực hiện một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp bám sát tình hình thực tế để cụ thể hóa những đường lối, chính sách, chủ trương về nông nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch có giá trị cao, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý...