Theo dõi trên

Ngày này năm xưa: 50 năm - ngày quyết định cho chiến thắng lịch sử 30/4

30/09/2024, 05:04

Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Chiến thắng ấy đến từ những quyết định chiến lược tại Hội nghị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khai mạc vào ngày này 50 năm trước: 30/9/1974.

Bước vào nửa cuối năm 1974, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Trước tình hình đó, Đảng Lao động Việt Nam triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị từ ngày 30/9 đến ngày 7/10/1974 để bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

ngay-nay.jpg
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu.

Tại Hội nghị, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã duyệt kế hoạch tác chiến chiến lược 1975. Hội nghị đã phân tích tình hình và rút ra những nhận định rất quan trọng: “Về tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, cách mạng đang ở thế thắng, thế chủ động và tiến lên; trái lại địch chịu nhiều thất bại liên tiếp nên đang ở thế thua, thế bị động và xuống dốc. Mỹ đã rút ra, đang gặp nhiều khó khăn, nên không có khả năng quay trở lại can thiệp trực tiếp bằng quân sự; dù cho Mỹ có can thiệp trở lại bằng quân sự trong chừng mực nào đó thì cũng không xoay chuyển được tình thế, không cứu vãn được sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Do có sự thỏa hiệp với đế quốc Mỹ, một số nước lớn có ý đồ cản trở thắng lợi của cách mạng Việt Nam, chia rẽ tình đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương nhằm phục vụ cho mưu đồ xâm lược bành trướng, nhưng thời điểm này chưa đủ sức, chưa sẵn sàng…”. Từ những nhận định trên, Bộ Chính trị đi đến khẳng định: “Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn. Hai mươi năm nhân dân cả nước chiến đấu mới tạo được thời cơ này. Ngoài thời cơ này, không còn thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, địch gượng dậy được, các thế lực xâm lược bành trướng mạnh lên, tình hình sẽ phức tạp vô cùng…”. Trên cơ sở nhận diện đúng thời cơ, Bộ Chính trị đề ra quyết tâm: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy..., đánh đổ ngụy quyền ở Trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam…”.

ngay-nay-1.jpg
Lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 1 vượt đường 16 tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

Từ những nhận định đúng đắn và những quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tại Hội nghị này, toàn quân ta đã tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Và sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế – Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Ngày 30/4/1975 Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Có thể khẳng định sự chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị tại Hội nghị từ ngày 30/9/1974 đến ngày 7/10/1974 là một trong những yếu tố quyết định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc bằng chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam vào ngày 30/4 lịch sử.

B.B.T


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phát động thi đua đột kích trong diễn tập tác chiến phòng thủ
BTO-Chiều nay ( 27/9), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức phát động đợt thi đua đột kích thực hiện nhiệm vụ diễn tập tác chiến phòng thủ Quân khu và tỉnh Bình Thuận năm 2024.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày này năm xưa: 50 năm - ngày quyết định cho chiến thắng lịch sử 30/4