Trẻ em gái phát biểu nguyện vọng tại diễn đàn trẻ em. |
8 năm trước, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố ngày 11/10 hàng năm trở thành Ngày Quốc tế trẻ em gái, nhằm mục tiêu “công nhận các quyền của trẻ em gái và những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt trên khắp thế giới”. Năm nay, với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu MCBGTKS”, Chi cục DS&KHHGĐ tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng MCBGTKS. Đồng thời, vận động thay đổi nhận thức của người dân bằng những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng dù là trai hay gái. Chi cục DS&KHHGĐ tỉnh nhấn mạnh nội dung truyền thông cần chú trọng vào tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng MCBGTKS. Phổ biến các luật nhằm nêu cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay như Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình. Qua đó, góp phần thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái của các gia đình sinh con một bề là gái. Song song đó, tuyên truyền về các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 104 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 176 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nhằm nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi; Quyết định số 468 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2025; Kế hoạch số 3257 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2020.
Tại tỉnh, Chi cục DS&KHHGĐ tỉnh sẽ phối hợp tổ chức các lớp giáo dục truyền thông, nói chuyện chuyên đề về MCBGTKS, chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tại các huyện, thị xã, thành phố và các vùng có mức sinh cao, tỷ số giới tính khi sinh cao. Song song, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tư vấn, nói chuyện chuyên đề, cung cấp thông tin về MCBGTKS tại cơ sở. Phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan tập trung tuyên truyền về thực trạng MCBGTKS, sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền phản ánh việc thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ và những tấm gương sáng tiêu biểu của cán bộ nữ làm công tác dân số tại cơ sở trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị trực thuộc như: Bệnh viện, Trung tâm Truyền thông & Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc SKSS chỉ đạo cơ sở tuyên truyền tốt việc thực hiện KHHGĐ và không lựa chọn giới tính thai nhi.
Ở tuyến huyện sẽ đồng loạt triển khai các nội dung về tư vấn, nói chuyện chuyên đề, cung cấp thông tin về MCBGTKS theo chỉ đạo của Chi cục Dân số - KHHGĐ. Đồng thời phối hợp với các ngành, đoàn thể huyện triển khai đa dạng các hoạt động truyền thông, tuyên truyền cả bề nổi lẫn chiều sâu nhằm thực hiện tốt KHHGĐ, bình đẳng giới, nâng cao vị thế của trẻ em gái. Lồng ghép các hoạt động truyền thôngngày Quốc tế trẻ em gái với thực hiện chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ” năm 2019. Mở lớp nói chuyện chuyên đề về SKSS vị thành niên – thanh niên, giảm thiểu MCBGTKS tại các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, lập kế hoạch truyền thông trực tiếp, tư vấn nhóm nhỏ tại cộng đồng cho các cá nhân, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trong việc thực hiện tốt KHHGĐ và không lựa chọn giới tính thai nhi…
T.HÀ