Riêng tỉnh Bình Thuận, nghệ nhân Đặng Long (tức Đặng Ngọc Long) là người duy nhất vinh dự có tên trong danh sách phong tặng Nghệ nhân Nhân dân đợt này. Ngoài ra, Bình Thuận còn có 5 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.
Hơn nửa thế kỷ lao động nghệ thuật một cách đam mê, nghiêm túc và cần mẫn, nghệ nhân Đặng Long (sinh năm 1949) đã có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn, khai thác, phát huy di sản nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương (ĐCTT- CL).
Kể từ lúc học nghề (năm 1964) khi mới 15 tuổi, rồi chính thức đi vào hoạt động nghệ thuật (1968), nghệ nhân Đặng Long đã được theo học các danh cầm Văn Vĩ, Năm Cơ, Bảy Bá - là những “cây đa cây đề” trong làng nhạc cổ Việt Nam, cộng với quá trình nỗ lực và quyết tâm tự học không ngừng nghỉ.
Trong giới hoạt động nghệ thuật ở Bình Thuận, khi nhắc đến cái tên Đặng Long, hầu như ai ai cũng đều quen thuộc, nhất là những người yêu thích và có am hiểu về nghệ thuật ĐCTT. Bởi vì, khả năng nắm bắt, am tường và thực hành về nghệ thuật ĐCTT của nghệ nhân Đặng Long trải dài ra trên nhiều lĩnh vực mà ở lĩnh vực nào, ông cũng đều tạo được những ấn tượng sâu sắc.
- Về đờn: Nghệ nhân Đặng Long sử dụng thành thạo 3 nhạc cụ ghi-ta, kìm, sến; có thể diễn tấu một cách thuần thục 20 bài bản tổ và hầu hết những bài bản trong Thập loại bài bản cổ nhạc Việt Nam. Bên cạnh đó, nghệ nhân đã bỏ công truyền dạy các thế hệ học trò đờn và ca nắm vững tính chất, nội dung, xướng âm chuẩn lòng bản để diễn tấu, diễn xướng đúng với cái hồn, cái gốc của từng loại bài bản. Mặt khác, nghệ nhân còn ứng dụng có hiệu quả sự tiến bộ của công nghệ thông tin hiện nay, để dạy đờn bằng cách gửi qua mạng xã hội các tài liệu, các clip, video đờn giúp cho học trò trong nước và kể cả kiều bào ở nước ngoài (Pháp, Úc, Mỹ…) hiểu và học hỏi, tiếp thu nhanh chóng hơn. Học trò của ông bao gồm đủ mọi thành phần, ngành nghề, tuổi tác dù học bằng hình thức trực tiếp truyền ngón hay tiếp thu gián tiếp theo phương pháp nêu trên đều đạt kết quả khá tốt. Ngoài ra, ông còn thông qua hình thức ký âm theo phương pháp tân nhạc để giúp những người chơi tân nhạc có thể vận dụng đệm đàn cổ nhạc một cách linh hoạt trong các tiệc cưới hỏi, sinh nhật, góp thêm một “kênh” truyền bá nghệ thuật ĐCTT hữu hiệu và thiết thực.
- Về ca: Bản thân ông đã dốc lòng truyền dạy rất nhiều học trò, thể hiện đúng tính chất đặc trưng của từng bài bản. Có thể đơn cử trường hợp tài tử ca Hà Thu ca bài Ngũ Đối Hạ trong Liên hoan Đờn ca Tài tử (ĐCTT) Nam bộ toàn quốc lần II - 2003 do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh đã gây xôn xao dư luận, làm cho giới ĐCTT vùng nôi sinh Đông - Tây Nam bộ cảm kích và mến phục. Nghệ nhân Lâm Tường Vân (nguyên Giám đốc Sở VHTT Cà Mau - cố vấn của liên hoan ngày 21/6/2003 đã viết thư chúc mừng gửi Sở VHTT Bình Thuận có đoạn như sau: “… Yêu biết mấy chất giọng ngọt ngào, dịu dàng đường hoàng quân tử khí của nữ nghệ sĩ Hà Thu, tỉnh Bình Thuận, Trung bộ - quê hương của hát tuồng, bài chòi lại có giọng ca Ngũ Đối Hạ tuyệt vời, khiến nghệ sĩ “Nam bộ rặt” phải mến phục. Bài này được chấm điểm cao và đoạt giải Giọng ca hay đầy thuyết phục…”.
- Về biên soạn tài liệu giảng dạy: Từ năm 1987, nghệ nhân Đặng Long đã dành thời gian đúc kết, biên soạn quyển sách Đờn ca tài tử - cải lương dưới hình thức một giáo trình. Thông qua đó, ông đã hệ thống theo trình tự từ dễ đến khó, phân tích rõ nội dung, tính chất những bài bản ca cổ phổ biến để dạy cho các thế hệ học trò đờn và ca; giúp mọi người ứng dụng dễ dàng cả trong sinh hoạt và làm nghề. Quyển sách này luôn được học trò của ông xem như một “cẩm nang” chuyền tay nhau phô-tô phổ biến khắp nơi trong và ngoài tỉnh, kể cả Việt kiều ở nước ngoài. Trong gần 300 học trò của ông đã có một học trò xuất sắc được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý nghệ sĩ nhân dân và 13 người khác được nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú.
- Về sáng tác: Nghệ nhân Đặng Long còn là tác giả của nhiều bài bản nhạc cổ, được giới mộ điệu thường xuyên sử dụng trong các liên hoan, hội thi, hội diễn cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Quá trình hoạt động nghề nghiệp, nghệ nhân Đặng Long đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, cụ thể như: Được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng năm 1996; Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ nhân sự kiện tổ chức UNESCO vinh danh ĐCTT Nam bộ là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2013.
Một số chương trình nghệ thuật ĐCTT do ông dàn dựng đi thi cấp quốc gia đã mang về cho quê hương Bình Thuận nhiều giải thưởng xứng đáng, tiêu biểu như: Giải Huy chương vàng toàn đoàn trong Liên hoan ĐCTT quốc gia lần thứ I năm 2014, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Bạc Liêu; Giải Huy chương bạc toàn đoàn trong Hội thi nghệ thuật ĐCTT quốc gia lần thứ II-năm 2017, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Bình Dương. Ngoài ra, nghệ nhân còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của bộ, của UBND tỉnh và Sở VHTTDL qua những lần tham gia hội thi, hội diễn ĐCTT các cấp.
Với bề dày thành tích cống hiến cho nghệ thuật ĐCTT trên nhiều phương diện, nghệ nhân Đặng Long là 1 trong 64 nghệ nhân ưu tú cả nước đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân trên lĩnh vực trình diễn nghệ thuật dân gian ĐCTT theo Quyết định số 1020/QĐ-CTN, ngày 9/9/2022.