Theo dõi trên

Nghề vá lưới thuê

15/12/2023, 05:17

Với những người đánh cá quanh năm ngoài biển thì những tấm lưới được coi là “cần câu cơm”. Còn những người vá lưới thuê thì coi nó như là cái nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Ngoài phục vụ cho những chuyến tàu vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, công việc vá lưới thuê còn góp phần tạo việc làm cho rất đông lao động của thị xã La Gi, nhất là đối với lao động nữ.

Công việc vá lưới thuê thu hút rất đông lao động của địa phương La Gi.

Sau những chuyến đánh bắt xa bờ, khi trở về thường thì tàu nào cũng có lưới rách, không nhiều thì ít. Bởi trong lúc đánh bắt, lưới có thể bị mắc phải ngầm đá, san hô hoặc bị sóng biển đánh... Vì vậy để kịp cho những chuyến biển sau, trong vài ngày ngắn ngủi, họ lại thuê người đến vá lưới.

Và cũng từ đó, vá lưới trở thành cái nghề mưu sinh của rất nhiều người dân vùng biển La Gi. Bởi công việc này đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ nên đa số người làm đều là phụ nữ. Để hành nghề, họ lập thành từng nhóm từ 10 đến 15 người. Cứ mỗi khi tàu về, chủ tàu gọi là họ nhanh chóng có mặt để vá lưới. Công việc của những người “thợ vá lưới” thường bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 16 giờ chiều, mỗi người chỉ nghỉ trưa khoảng 30 phút để ăn cơm rồi lại tiếp tục công việc. Tùy theo tình trạng của tấm lưới mà người thợ làm những công việc khác nhau như: cột lại viền lưới, vá lưới, cột phao… Thông thường để vá lưới cho một tàu cá, nhóm thợ phải vá từ 3 đến 5 ngày mới xong. Tiền công vá lưới được tính theo ngày, trung bình mỗi ngày, mỗi người sẽ kiếm được 250.000 đồng.

Những người làm nghề vá lưới cho biết, đây là nghề dễ học, dễ làm, nhưng muốn trở thành thợ giỏi, để được chủ tàu gọi thường xuyên thì người thợ phải tinh mắt, tỉ mỉ, sắc sảo trong từng mũi vá. Nghề này chẳng có trường lớp nào đào tạo, chủ yếu là người biết hướng dẫn cho người chưa biết, nghề dạy nghề, làm nhiều thành quen.

Lấy nghề vá lưới làm nghề mưu sinh, chị Phan Thị Tuyết Loan ở khu phố 7, phường Phước Lộc, thị xã La Gi chia sẻ: “Chồng tôi bị ốm nặng, lúc đi biển được lúc không, nên tôi phải lo toan, gánh vác mọi công việc trong gia đình, bà con xung quanh ai cũng thương tình, khi lưới họ rách họ đều gọi tôi tới vá lưới cho họ, từ đó tôi có cơ hội kiếm thêm thu nhập nuôi con cái ăn học”.

Còn chị Nguyễn Thị Hương ở khu phố 2, phường Bình Tân thì cũng đã theo nghề vá lưới suốt 20 năm. Chị Hương tâm sự: “Đây là nghề nuôi sống cả gia đình tôi. Ngư dân phường Bình Tân quanh năm đi biển, có thể sống nhờ vào “lộc biển” vì vậy mẹ con tôi cũng được “ăn theo”. Sau mỗi chuyến biển, thường lưới của chủ tàu nào bị rách là họ đều thuê tôi và các con của tôi đi vá, cứ thế ngày nào tôi và gia đình cũng có công việc để làm, có thêm thu nhập để đắp đổi cho cuộc sống hàng ngày”.

Đang ngồi tỉ mẩn vá lưới, chị Trần Thị Quyên ở khu phố 2, phường Phước Lộc bộc bạch: “Công việc vá lưới tuy không cực lắm nhưng nghề này đòi hỏi ở người làm bởi sự tinh mắt để tìm ra những lỗ rách nhỏ nhất trong từng tấm lưới và đặc biệt là người làm làm phải nhanh tay, khéo léo, sắc sảo trong từng mũi khâu”.

Từ bao đời nay, hình ảnh từng nhóm thợ ngồi trải dài tỉ mẩn vá lưới đã trở thành nét riêng của cư dân vùng biển. Và công việc này đã và đang tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương La Gi.

RẠNG ĐÔNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thành công nhờ mô hình điều ghép
Mặc dù đã hơn 70 tuổi, nhưng ông Nguyễn Hữu Tân ngụ ở thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, thị xã La Gi vẫn luôn cần mẫn, chăm chỉ và chịu khó học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Chính vì thế, mô hình điều ghép của gia đình ông luôn đạt hiệu quả kinh tế khá cao.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề vá lưới thuê