Ông Nguyễn Hữu Tân – Nông dân thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, thị xã La Gi.
Đến tham quan mô hình điều ghép của gia đình ông Tân, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước một mô hình nông nghiệp đã thành công hơn 20 năm qua với hơn 2.000 cây điều đang nặng trĩu trái. Ít ai biết được, hơn 25 năm trước, mảnh đất rẫy rộng hơn 20 mẫu của gia đình ông chỉ là một mảnh đất hoang sơ, bạc màu và chỉ trồng được cây keo lá tràm. Nhưng nhận thấy hiệu quả từ việc trồng keo lá tràm không cao, nên khoảng 25 năm trước ông Tân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng điều ghép, với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất bạc màu. Được biết, gia đình ông Tân là một trong những hộ gia đình trồng giống điều ghép đầu tiên ở xã Tân Phước, thị xã La Gi.
Khác với những giống điều thường, điều ghép thường ra hoa chùm, mỗi năm thường ra hoa 2 đợt. Thời gian từ khi ra hoa, đến khi thu hoạch kéo dài từ 4 - 5 tháng. Với những ưu điểm như hạt to, tròn và nhân sáng nên cân nặng cộng với đặc tính chịu hạn tốt, ít tốn công chăm sóc hơn điều thường. Tuy nhiên để trồng điều ghép đạt năng suất cao thì người trồng phải tỉa cành, tạo tán và bón phân; tưới nước phòng trừ sâu bệnh đúng lúc, đủ liều lượng và kịp thời.
Mô hình điều ghép của gia đình ông Nguyễn Hữu Tân ở thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, thị xã La Gi.
Ông Tân chia sẻ: “Để trồng điều ghép đạt năng suất cao, cần phải tuân thủ kỹ thuật tỉa thưa, tỉa cành tạo tán 2 lần mỗi năm, do điều là cây ra hoa đầu cành nên năng suất hạt tỷ lệ thuận với diện tích tán lá được chiếu sáng và mật độ chồi hoa. Ngoài ra, người trồng còn phải chủ động bón phân 2 đợt/năm và tiêu diệt sâu bệnh, giúp cây sinh trưởng khỏe. Đồng thời, tăng cường kích thích cây điều ra hoa, kéo dài chùm hoa, chống rụng hoa, rụng trái non và phòng trừ sâu bệnh”.
Với hơn 10 mẫu điều ghép, vào mùa thu hoạch, gia đình ông Tân phải thuê hơn 10 nhân công để kịp tiến độ hái điều và lặt hạt.
Vườn điều của gia đình ông Tân trong những ngày thu hoạch
Để chủ động nguồn nước tưới cho cây, ông Tân đã đầu tư đào một hồ chứa nước rộng hơn 350 m2, vào mùa mưa lượng nước ở hồ luôn đạt 11 m tính từ đáy hồ tới mặt hồ. Còn vào mùa khô, độ sâu của mực nước cũng duy trì khoảng hơn 4 m. Theo như ông Tân chia sẻ, nguồn nước tưới cho cây rất quan trọng, tưới đủ nước thì cây sẽ đạt năng suất và chất lượng cao hơn, chính vì vậy công việc này luôn được chú trọng và thực hiện vào mỗi buổi sáng hàng ngày bởi những người nông dân làm vườn lâu năm của gia đình. Nhờ thời tiết những năm qua tương đối thuận lợi cộng với việc chăm sóc tốt, nên vườn điều ghép của gia đình ông Tân luôn cho năng suất cao với giá bán tương đối ổn định từ 28.000 - 35.000 đồng/kg.
Thành công với mô hình trồng điều ghép, trung bình mỗi năm sau khi trừ hết các chi phí, gia đình ông Tân thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình ông có cuộc sống sung túc, ấm no hơn.
Với hiệu quả mang lại của mô hình điều ghép và cho thấy đây là một trong những loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, mở ra triển vọng phát triển kinh tế từ những loại cây trồng mới cho người nông dân vùng đất này.