Theo dõi trên

Sơ chế cá cơm – công việc thu hút lao động địa phương

12/12/2023, 05:23

Không khó khăn, không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và chịu khó… Đó là nhận xét của nhiều người về công việc sơ chế (lặt đầu) cá cơm. Hiện tại công việc này thu hút khá đông người dân lao động địa phương La Gi, đặc biệt là các chị em phụ nữ tham gia để kiếm thêm thu nhập lo cho con cái và gia đình.

Đối với công việc lặt đầu cá cơm, người làm có thể trực tiếp vào các xưởng cá cơm để làm việc tại chỗ hoặc có thể nhận việc về nhà làm. Tùy theo quỹ thời gian của từng người, mà mỗi người chọn cho mình cách làm khác nhau. Đối với những người xem nghề này mang lại nguồn thu nhập chính nuôi sống bản thân và gia đình thì họ sẽ trực tiếp vào các xưởng cá cơm để làm việc từ sáng tới chiều. Công việc cụ thể của các chị là dùng đôi bàn tay của mình, ngắt đi cái đầu và lườn của con cá cơm và chỉ để phần còn lại…

Có mặt tại xưởng cá cơm Hiệp Quốc ở thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, thị xã La Gi, chúng tôi nhận thấy cường độ làm việc của các bà, các chị thật đáng ngưỡng mộ... Mỗi ngày cơ sở cá cơm Hiệp Quốc thu hút từ 15 - 20 lao động đến làm việc trực tiếp tại xưởng. Bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng cho đến 17 giờ chiều, mỗi người đều lặt đầu cá với số lượng từ 5 – 6 thùng cá cơm, được biết mỗi thùng như vậy, mỗi chị được trả công là 35.000 đồng. Quả thật “trăm hay không bằng tay quen”, với đôi bàn tay thoăn thoắt, thuần thục với công việc, mỗi ngày, mỗi người lao động cũng kiếm được khoản thu nhập là 200.000 đồng để phụ với chồng lo cho con cái ăn học. Như chị Cù Thị Tuyết ngụ ở thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, mỗi buổi sáng, sau khi gửi con đến nhà trẻ, chị tranh thủ đến cơ sở cá cơm Hiệp Quốc nhanh chóng bắt tay vào công việc thường nhật của mình. Chị Tuyết chia sẻ, công việc này đối với chị khá đơn giản, nên mỗi ngày chị có thể làm được tới 5 thùng cá cơm, từ đó có thêm thu nhập cùng chồng lo cho con cái ăn học.

Một ngày làm việc của các chị em phụ nữ tại các xưởng cá cơm.

Theo như nhiều chị em phụ nữ thì làm việc từ sáng đến chiều tại các xưởng cá cơm cũng mang đến cho các chị một nguồn thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Ngoài các chị em phụ nữ trực tiếp đến xưởng để làm việc, thì theo như ông Nguyễn Văn Quốc – Chủ xưởng cá cơm Hiệp Quốc thì hầu như mọi người nhận cá cơm về làm. Đến nay có hơn 100 hộ trên địa bàn thị xã La Gi nhận cá cơm từ cơ sở của ông để về làm thêm.

Có thể nói, mặc dù cái nghề lặt đầu cá cơm thoặt nhìn có vẻ đơn giản và cho dù bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể làm được, nhưng ngồi lâu thì lại rất đau lưng, đòi hỏi người làm phải kiên nhẫn và chịu thương chịu khó... Điển hình là bà Nguyễn Thị Hóa – ngụ tại thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, mặc dù bận rộn với công việc chăn nuôi, trồng trọt...nhưng tranh thủ vào nguồn thời gian rảnh của mình để nhận thêm cá cơm về nhà làm.

Một số chị em phụ nữ tranh thủ nhận cá cơm về nhà làm những lúc rãnh rỗi

Còn chị Nguyễn Thị Ly Ly, cũng ngụ khu phố 4, phường Tân An, thị xã La Gi tâm sự: “Ban ngày chị Ly cùng chồng đi làm phụ hồ, tối về chị nhận thêm cá cơm về làm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình”.

Ngoài những chị kể trên thì còn rất nhiều chị em phụ nữ khác, mặc dù ban ngày đã vất vả, bận rộn với việc mưu sinh, nhưng với sự chịu thương, chịu khó của mình các chị đã tranh thủ quỹ thời gian rảnh của mình vào những bữa trưa, sau khi nấu cơm cho chồng con hay những buổi tối sau khi hoàn thành công việc nội trợ, đã cùng gia đình làm thêm công việc lặt đầu cá cơm, với hy vọng kiếm thêm chút tiền lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, ấm no hơn.

Có thể nói, nghề lặt đầu cá cơm trước đây tuy ít người làm, nhưng giờ đây đã trở thành công việc thu hút khá đông lao động địa phương bởi yếu tố đơn giản, dễ làm, đồng thời dễ kiếm ra thu nhập, tuy không phải là nhiều nhưng cũng giúp cho các bà, các chị trang trải, xoay xở và đắp đổi cho việc chi tiêu và cuộc sống thường ngày trong gia đình.

RẠNG ĐÔNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thu nhập ổn định từ mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học
Sau nhiều năm nuôi rắn thương phẩm không đạt hiệu quả, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Do đó, qua tìm hiểu và tham quan các mô hình chăn nuôi mới. Năm 2007, ông Nguyễn Ngọc Báu ở thôn Tân Lý 2, xã Tân Bình, thị xã La Gi đã quyết định đầu tư xây dựng chuồng nuôi với hơn 2.000 con gà ta theo hướng an toàn sinh học, đến nay đã đạt hiệu quả kinh tế khá cao.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sơ chế cá cơm – công việc thu hút lao động địa phương